Rong kinh tiền mãn kinh: Triệu chứng và cách điều trị

Chân dung BSCKII Lê Thị Quyên - Nguyên Phó khoa Phụ 2 BV Phụ Sản TW

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Lê Thị Quyên

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Rong kinh tiền mãn kinh là rối loạn kinh nguyệt hay gặp ở phụ nữ trung niên. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tình trạng này qua bài viết dưới đây!

Ở tuổi trung niên, chị em thường khó chịu khi xuất hiện tình trạng rong kinh tiền mãn kinh. Đây có thể là dấu hiệu chỉ báo một số bệnh lý nguy hiểm.

Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tình trạng này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Sơ lược về tiền mãn kinh

Trước khi tìm hiểu về rong kinh tiền mãn kinh, ta cần biết tiền mãn kinh là giai đoạn kéo dài khoảng 2-5 năm trước khi cơ thể chính thức không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt nữa.

Giai đoạn này đặc trưng bởi sự suy giảm hoặc thiếu hụt hormone sinh dục nữ, đồng thời lượng hormone FSH và LH tăng trong cơ thể phụ nữ.

Giai đoạn tiền mãn kinh có những dấu hiệu nhận biết sau:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Chu kỳ kinh có thể quá dài hoặc quá ngắn so với chu kỳ bình thường. Thậm chí, khoảng cách giữa hai lần có kinh có thể ngắn hoặc dài hơn bình thường. Lượng máu kinh cũng có thể thay đổi, từ ít hơn đến nhiều hơn và có thể bị mất kinh ở một số kỳ kinh.
  • Bốc hỏa: Xuất hiện cảm giác nóng bừng từ mặt, cổ và lan ra các bộ phận khác của cơ thể, kèm theo tim đập nhanh, đổ mồ hôi, sau đó là cảm giác lạnh, mệt mỏi.
  • Giảm ham muốn tình dục: Sự suy giảm hoặc thiếu hụt hormone sinh dục nữ có thể khiến cho âm đạo bị khô, co thắt và ít đàn hồi. Điều này gây ra đau đớn và khó chịu trong quan hệ tình dục. Ngoài ra, giảm hormone còn ảnh hưởng đến khả năng đạt cực khoái, làm mất hứng thú trong khi quan hệ.
  • Khó ngủ: Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường mất ngủ, khó ngủ hoặc trằn trọc. Việc thức giấc vào ban đêm có thể làm khó ngủ trở lại.
  • Dễ cáu giận, không kiềm chế cảm xúc: Phụ nữ trong độ tuổi này dễ nhạy cảm, làm phức tạp mọi chuyện, tức giận không lý do, lo lắng quá mức và không kiểm soát được cảm xúc của mình.
  • Loãng xương: Hormone nữ có tác động đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi trong cơ thể. Khi hormone này suy giảm, khả năng hấp thu canxi giảm dẫn đến loãng xương.
  • Thay đổi ngoại hình, da, tóc: Da trở nên khô, có nhiều nếp nhăn, xuất hiện tàn nhang và nám. Tóc có thể thay đổi màu sắc và dễ rụng. Móng tay giòn, dễ gãy.
  • Suy giảm khả năng có thai: Rối loạn kinh nguyệt khiến khó xác định thời điểm rụng trứng, làm khó có thai hơn. Ngoài ra, vấn đề dự trữ trứng trong buồng trứng thấp kèm theo chất lượng trứng kém cũng ảnh hưởng đến khả năng có thai.

2. Rong kinh tiền mãn kinh là gì?

Rong kinh tiền mãn kinh là một tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do buồng trứng không phóng noãn làm mất cân bằng nội tiết khiến chu kỳ kinh nguyệt thưa dần.

Cần lưu ý rằng, mỗi chu kỳ kinh nguyệt này lại kèm theo lượng máu kinh lớn hơn so với bình thường.

Bình thường, thời gian diễn ra chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trong khoảng 3-5 ngày với lượng máu kinh khoảng 50-80ml.

Tuy nhiên, nếu thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày kèm theo lượng máu kinh lớn hơn 80ml thì có thể nhận định chị em đang gặp phải tình trạng rong kinh tiền mãn kinh.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 90% chị em trong độ tuổi từ 42 đến 52 tuổi có thời gian kinh kéo dài trên 10 ngày và hơn 78% cho biết lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường.

Dưới đây là bảng so sánh tình trạng kinh nguyệt bình thường và rong kinh ở phụ nữ tiền mãn kinh:

Đặc điểmBình thườngRối loạn kinh nguyệt
Khoảng cách giữa hai kỳ kinh24 – 38 ngàyNhỏ hơn 24 ngày hoặc lớn hơn 38 ngày
Chênh lệch giữa hai kỳ kinh khác nhau2 – 20 ngày trong 12 thángLớn hơn 20 ngày trong 12 tháng
Thời gian chu kỳ kinh diễn ra4,5 – 8 ngàyLớn hơn 8 ngày
Tổng lượng máu kinhTừ 50 – 80 mlLớn hơn 80ml
Rong kinh là tình trạng hay gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh
Rong kinh là tình trạng hay gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh

3. Dấu hiệu nhận biết rong kinh tiền mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh có thể đang gặp phải tình trạng rong kinh:

  • Thời gian kinh kéo dài trên 7 ngày, thậm chí kéo dài trên 10 ngày.
  • Có những triệu chứng của thiếu máu như cơ thể mệt mỏi, da xanh xao và thiếu sức sống.
  • Lượng máu kinh ra nhiều, đặc biệt là vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Có thể xuất hiện cảm giác đau dữ dội hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng dưới.

4. Nguyên nhân rong kinh tiền mãn kinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng rong kinh tiền mãn kinh. Ví dụ như:

4.1 Tuổi tác

Khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, chức năng buồng trứng suy giảm, thiếu hormone estrogen có thể gây mất cân bằng nội tiết tố.

Điều này làm cho buồng trứng không thể phóng thích trứng kèm theo hoàng thể không xuất hiện sẽ dẫn đến kéo dài thời gian kinh và lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường.

4.2. Thói quen sống không lành mạnh

Thói quen lạm dụng rượu, bia, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá hoặc thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể làm cho phụ nữ mãn kinh sớm hơn bình thường.

Điều này có thể là nguyên nhân khiến tình trạng rong kinh dễ xuất hiện hơn.

Hơn nữa, những người có chế độ ăn uống không khoa học, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong cơ thể có thể khiến cho việc tổng hợp hormone estrogen bị ảnh hưởng làm cho chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.

Thói quen sống không lành mạnh có thể dẫn tới rong kinh tiền mãn kinh
Thói quen sống không lành mạnh có thể dẫn tới rong kinh tiền mãn kinh

4.3 Thay đổi cảm xúc

Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường căng thẳng, bốc hỏa và lo lắng quá mức, dẫn đến căng thẳng kéo dài.

Những triệu chứng này có thể làm mất kinh đột ngột hoặc gây ra rong kinh tiền mãn kinh. Mặt khác, stress kéo dài có thể gây nên tình trạng đau bụng kinh kéo dài ở những phụ nữ này trong kỳ đèn đỏ.

4.4. U xơ tử cung

U xơ tử cung là tình trạng xuất hiện khối u lành tính trong tử cung và thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 30-50 tuổi. Khối u ở tử cung có thể gây ra rối loạn kinh kéo dài ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.

U xơ tử cung gây ra rong kinh tiền mãn kinh
U xơ tử cung gây ra rong kinh tiền mãn kinh

4.5. Polyp tử cung

Polyp tử cung là tình trạng xuất hiện một khối u dính vào mặt trong của tử cung do tăng sinh quá mức của tế bào niêm mạc tử cung.

Một trong những triệu chứng thường gặp của polyp tử cung là rong kinh tiền mãn kinh trong thời gian dài.

4.6. Bệnh phụ khoa khác

Những phụ nữ có các bệnh nội mạc tử cung, cổ tử cung hoặc viêm nhiễm phụ khoa trong giai đoạn tiền mãn kinh có nguy cơ cao hơn xuất hiện rong kinh tiền mãn kinh hơn những người bình thường.

4.7. Mắc bệnh ung thư

Một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung và ung thư buồng trứng có thể gây ra rối loạn kinh hoặc chảy máu âm đạo.

Do đó, khi gặp tình trạng này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám nguyên nhân và loại trừ nguy cơ ung thư nguy hiểm.

4.8. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân hiếm gặp có thể dẫn tới tình trạng rong kinh tiền mãn kinh là:

  • Tác dụng phụ của việc sử dụng các phương pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai.
  • Bệnh lý di truyền như rối loạn đông máu.
  • Tác dụng phụ của các thuốc điều trị các bệnh khác.

5. Rong kinh tiền mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Tiền mãn kinh và mãn kinh không phải là bệnh lý mà chỉ là một trong những giai đoạn phát triển của cơ thể phụ nữ.

Tuy vậy, rong kinh tiền mãn kinh là một triệu chứng thường gặp cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm khác.

Vì vậy, chị em ở độ tuổi này không nên coi thường và cần theo dõi các triệu chứng khác kèm theo để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Rong kinh kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu gây nên khó thở, mệt mỏi, da xanh xao, khả năng tập trung giảm ở người bệnh.

Rong kinh do mất cân bằng hormone có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, âm đạo khô rát, quan hệ tình dục đau đớn, giảm ham muốn tình dục… khiến cho sinh hoạt vợ chồng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hơn nữa, rong kinh xuất hiện ở giai đoạn này có thể là dấu hiệu cảnh báo về nhiều bệnh lý nguy hiểm như u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng…

Vì vậy, chị em nên quan tâm đến cơ thể và phát hiện sớm những triệu chứng bất thường để khám và điều trị kịp thời.

Rong kinh có thể gây ra thiếu máu
Rong kinh có thể gây ra thiếu máu

6. Điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng rong kinh tiền mãn kinh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh. Cụ thể là:

6.1 Điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nặng của các triệu chứng mà bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc điều trị phù hợp với từng trường hợp. Cụ thể là:

  • Thực phẩm chức năng chứa sắt: bổ sung sắt giúp cơ thể sản xuất ra hồng cầu, ngăn cản nguy cơ thiếu máu.
  • Thuốc tránh thai: giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt và lượng máu kinh.
  • Thuốc Ibuprofen: giảm đau và triệu chứng đau bụng kinh trong thời gian hành kinh.
  • Liệu pháp hormone chứa Estrogen hoặc Progesterone: giúp giảm lượng máu kinh.
  • Thuốc xịt Desmopressin: giúp giảm thời gian chảy máu ở những người có rối loạn đông máu (bệnh máu khó đông hoặc hội chứng Von Willebrand).
  • Thuốc chống tiểu cầu huyết: giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Lưu ý, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc và phải thực hiện đầy đủ hướng dẫn sử dụng thuốc khi được bác sĩ kê đơn.

6.2. Điều trị phẫu thuật

Đối với những trường hợp điều trị thuốc không cải thiện, triệu chứng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Nạo niêm mạc tử cung: phương pháp giúp loại bỏ niêm mạc ở trên cùng của tử cung để giảm độ dày niêm mạc qua đó làm giảm lượng máu kinh. Thủ thuật này có thể được lặp lại theo thời gian.
  • Soi buồng tử cung: sử dụng một dụng cụ đặc biệt để xem bên trong tử cung, giúp tìm và gỡ bỏ u xơ, polyp hoặc các vấn đề bất thường gây ra rối loạn kinh nguyệt. Sau đó, bác sĩ tiến hành bỏ phần niêm mạc ở trên cùng của tử cung để kiểm soát chu kỳ kinh.
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung: nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng máu kinh chảy nhiều là do lớp niêm mạc tử cung quá dày. Việc loại bỏ nội mạc tử cung có thể giúp khắc phục tình trạng này.
  • Cắt tử cung: áp dụng cho những phụ nữ không muốn mang thai và sinh con nữa. Thủ thuật này sẽ loại bỏ toàn bộ tử cung và chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt.

7. Cách cải thiện triệu chứng khó chịu của rong kinh tiền mãn kinh

Để giảm các triệu chứng khó chịu của rong kinh tiền mãn kinh, chị em có thể thực hiện các cách sau:

7.1 Chế độ ăn uống khoa học

Chị em nên xây dựng một chế độ ăn uống đủ dưỡng chất bao gồm rau củ quả, hải sản, ngũ cốc và các thực phẩm giàu canxi và vitamin. Ngoài ra, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn thêm về cách bổ sung các dưỡng chất cần thiết.

Chế độ ăn giàu canxi tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh
Chế độ ăn giàu canxi tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh

7.2 Tập thể dục thường xuyên

Luyện tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, linh hoạt và tốt cho hệ thống xương khớp. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm triệu chứng khó chịu của chu kỳ kinh.

Với phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh có thể tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, leo núi, yoga… để nâng cao sức khỏe.

7.3 Nghỉ ngơi hợp lý

Chị em cần dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày và đảm bảo có lịch trình làm việc và sinh hoạt hợp lý. Ngoài ra, người trong độ tuổi tiền mãn kinh cần tránh làm việc căng thẳng và stress kéo dài nhằm giảm triệu chứng rong kinh.

7.4 Vệ sinh vùng kín đúng cách

Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh cần thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách để giảm tối đa nguy cơ xuất hiện tình trạng viêm nhiễm phụ khoa. Một số biện pháp vệ sinh vùng kín có thể được thực hiện như:

  • Vệ sinh bằng nước sạch, sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ không gây kích ứng trên da.
  • Giữ vùng kín khô ráo sau mỗi lần vệ sinh.
  • Thay băng vệ sinh đều đặn sau 3-4 giờ sử dụng.

7.5. Khám phụ khoa định kỳ

Chị em nên duy trì thói quen thăm khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/lần hoặc thăm khám theo chỉ định từ bác sĩ. Việc làm này nhằm phát hiện sớm nhất có thể những bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe chị em.

8. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp một trong những triệu chứng liên quan tới rong kinh tiền mãn kinh sau, người bệnh nên thăm khám và điều trị kịp thời để tránh tình trạng bệnh trầm trọng hơn:

  • Đau bụng dữ dội, đau đột ngột ở bụng dưới trong những ngày kinh nguyệt.
  • Xuất huyết âm đạo không trong những ngày hành kinh.
  • Vùng kín ngứa gây khó chịu.
  • Ra nhiều khí hư, màu sắc sẫm hơn bình thường và có mùi hôi khó chịu.
  • Sưng đau bộ phận sinh dục.
  • Khí hư bất thường.
  • Chảy máu vùng kín sau quan hệ tình dục.

9. Những thay đổi khách quan trong chu kỳ kinh nguyệt thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh cần lưu ý

Lưu ý, những sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt trong độ tuổi tiền mãn kinh là bắt buộc phải xảy ra. Vì vậy để nhận biết đã đến thời kỳ mãn kinh, phụ nữ trong độ tuổi này có thể tham khảo một số đặc điểm sau:

  • Thời gian giữa hai chu kỳ kinh lớn hơn 38 ngày.
  • Xuất hiện máu màu đen giữa hai chu kỳ kinh nguyệt.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
  • Cơn bốc hỏa.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Không còn hứng thú trong sinh hoạt vợ chồng.
  • Hay mắc các bệnh nhiễm trùng âm đạo, loãng xương…

Rong kinh cùng với những triệu chứng trên là dấu hiệu để chỉ báo giai đoạn tiền mãn kinh.

Mặc dù đây là giai đoạn bắt buộc phải trải qua trong đời nhưng nếu những triệu chứng đã nêu ở trên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chị em nên đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn.

Rong kinh tiền mãn kinh do nhiều nguyên nhân gây ra. Đôi khi đây chỉ là biểu hiện sinh lý của cơ thể nhưng cũng có thể là chỉ báo một số bệnh lý nguy hiểm ở độ tuổi này.

Vì vậy, chị em tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh có thể tham gia group “HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA” để trao đổi kinh nghiệm cùng những người cùng tuổi và nhận tư vấn từ bác sĩ Quyên nhé!

Bài viết liên quan

Chưa được phân loại
Kiến thức rong kinh tuổi dậy thì cho phụ huynh

Rong kinh tuổi dậy thì là một vấn đề khá phổ biến gặp ở các bé gái. Điều này có thể khiến bố mẹ lo lắng với sức khỏe con cái.

All in one
Liên hệ