Chụp tử cung và vòi trứng là phương pháp rất tốt để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng nó đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm cũng như thực hiện tại cơ sở y tế đảm bảo an toàn để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
1. Ca bệnh khám kiểm tra để chụp tử cung – vòi trứng
Thông tin ca bệnh:
- Họ và tên: Chị Mùi T.L
- Giới tính: Nữ
- Tuổi: 33
- Lý do tới khám – Thả bầu 4 tháng chưa có thai
- Ngày khám: 16/6/2024
- Tiền sử:
- PARA 1011: 1 con sinh thường – Chửa ngoài tử cung bên trái năm 2016 – Mổ nội soi cắt 1 bên vòi trứng
- Sạch kinh 2-3 ngày
- Kết quả khám:
- Âm hộ: Vùng môi lớn vị trí 11h – 12h – 3h có các khối viêm phần mềm (do cạo lông)
- Âm đạo: Có khí hư đặc
- Cổ tử cung: Viêm quanh lỗ
- Tử cung: Bình thường
- Hai phần phụ: Bình thường
- Đề nghị làm xét nghiệm: Soi tươi khí hư – test chlamydia
- Kết quả soi tươi: Nấm (+)
→ Kết luận: Viêm âm đạo do nấm
2. Kế hoạch điều trị và theo dõi
Hiện tại bệnh nhân đang gặp phải tình trạng viêm âm đạo do nấm. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo phác đồ do bác sĩ cung cấp, đồng thời tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng tiến triển của bệnh.
Tại thời điểm tái khám, chị L sẽ được chỉ định chụp tử cung và vòi trứng để tìm nguyên nhân tại sao thả 4 tháng mà chưa có bầu. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp bác sĩ theo dõi sát sao về tiến triển của bệnh và xem xét có thay đổi phác đồ hay không.
3. Những điều cần lưu ý
3.1. Phân tích về ca bệnh
Bệnh nhân có tiền sử cắt 1 bên vòi trứng do chửa ngoài tử cung, hiện tại đã thả được 4 tháng nhưng chưa có kết quả. Vì vậy, việc chụp tử cung và vòi trứng trên bệnh nhân là rất cần thiết. Chụp tử cung và vòi trứng sớm nhằm khảo sát tình trạng vòi trứng còn lại để có biện pháp can thiệp sớm nhằm giúp bệnh nhân có thai sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tiến hành chụp tử cung và vòi trứng. Thời điểm tốt nhất chụp là sau sạch kinh 2-3 ngày, không có viêm nhiễm hoặc viêm nhẹ, không có viêm do nấm hay clue cell (là hiện tượng khi bị viêm nhiễm do vi khuẩn), không nhiễm chlamydia. Chính vì thế, trước khi chụp, bác sĩ cần thăm khám, chỉ định những xét nghiệm cơ bản cần thiết để đánh giá tổng quan người bệnh.
3.2. Chụp tử cung và vòi trứng thực hiện như thế nào?
Chụp tử cung và vòi trứng là một cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh giúp nhìn thấy được bên trong buồng tử cung và vòi trứng. Để thực hiện phương pháp này, thuốc cản quang sẽ được bơm qua cổ tử cung. Sau đó, sẽ chụp phim X quang tử cung vòi trứng và bác sĩ sẽ quan sát được hình dạng tử cung và vòi trứng.
Chụp tử cung và vòi trứng hỗ trợ chẩn đoán chính xác các bất thường dẫn đến vô sinh và phục vụ quá trình điều trị. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp giúp đánh giá thắt ống dẫn trứng có hiệu quả hay không.
3.3. Chỉ định và chống chỉ định của chụp tử cung – vòi trứng
Hiện nay, chụp tử cung và vòi trứng không còn quá xa lạ với nhiều chị em. Các vấn đề thường được chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng này đó là:
- Chẩn đoán các bệnh lý vô sinh hiếm muộn nguyên phát và thứ phát do tắc nghẽn vòi trứng
- Kiểm tra, theo dõi và đánh giá dụng cụ tránh thai trong buồng tử cung
- Hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung,…
- Phát hiện khối u hay bất thường bên trong và bên ngoài buồng tử cung.
Tuy nhiên, chụp tử cung và vòi trứng không phải được áp dụng trong mọi trường hợp. Một số chống chỉ định thực hiện đó là:
- Phụ nữ đang trong quá trình thai kỳ
- Các nhiễm trùng vùng chậu chưa được kiểm soát và điều trị
- Khi thực hiện phương pháp gây chảy máu nhiều.
Chính vì thế, việc lựa chọn có sử dụng phương pháp chẩn đoán này hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khoẻ của chị em cũng như quyết định của bác sĩ. Vậy nên chị em nên chọn phòng khám uy tín và bác sĩ giàu kinh nghiệm để có thể an tâm điều trị.
3.4. Quy trình thực hiện
Quy trình thực hiện chụp tử cung và vòi trứng không quá phức tạp. Quá trình chụp sẽ diễn ra như sau:
- Bước 1: Bệnh nhân cần nằm lên trên bàn chụp trong tư thế sản khoa
- Bước 2: Nhân viên y tế sẽ thực hiện sát khuẩn âm hộ, sau đó đưa mỏ vịt vào để quan sát cổ tử cung. Bệnh nhân sẽ được sát khuẩn âm đạo, cổ tử cung sau đó nhân viên y tế sẽ cố định ống thông và bơm thuốc cản quang vào buồng tử cung qua đó.
- Bước 3: Chụp phim đánh giá tử cung và vòi trứng
- Bước 4: Tháo bỏ dụng cụ
- Bước 5: Bệnh nhân sẽ được chụp thêm phim Cotte để đánh giá lưu thông vòi trứng sau khoảng 10-15 phút. Khi thực hiện xong, quá trình chụp hoàn tất.
Mặc dù quá trình chụp tử cung và vòi trứng không quá phức tạp nhưng cần đảm bảo sát khuẩn sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Vì vậy, bệnh nhân nên chọn địa chỉ chụp uy tín để tránh biến chứng có thể xảy ra.
3.5. Lời dặn từ bác sĩ
Sau chụp tử cung và vòi trứng, bệnh nhân có thể gặp tình trạng chảy thuốc cản quang âm ỉ từ âm đạo, vì thế bệnh nhân có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày để hạn chế tình trạng này.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi 30-45 phút để nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khoẻ của mình. Sau đó, nếu cần sử dụng thuốc, bệnh nhân phải tuân thủ điều trị theo y lệnh của bác sĩ.
Tóm lại, chụp tử cung và vòi trứng mang lại rất nhiều lợi ích trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, khi nào cần chụp và chụp cho ai thì phải dựa rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ. Chính vì thế, chị em nên chọn phòng khám uy tín với bác sĩ có chuyên môn cao để an tâm trong quá trình khám và chữa bệnh của mình.
Hy vọng bài viết vừa rồi đã giúp chị em hiểu thêm về chụp tử cung và vòi trứng cũng như biết thời điểm phù hợp để thực hiện. Nếu chị em đang phân vân không biết lựa chọn phòng khám nào uy tín để bệnh, hãy đặt lịch khám tại đây để được các bác sĩ tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa thăm khám trực tiếp. Ngoài ra, nếu chị em có bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với zalo của phòng khám để được các chuyên gia giải đáp thắc mắc.