Trong hành trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ, việc sử dụng thuốc đặt âm đạo đôi khi trở nên cần thiết, đặc biệt trong việc điều trị các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về công dụng, phân biệt được các loại thuốc trên thị trường, cách đặt thuốc âm đạo đúng để tránh các sai lầm thường mắc.
Việc hiểu rõ những điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả điều trị mà còn hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Chúng ta sẽ bắt đầu từ những thông tin chuyên môn cơ bản của thuốc đặt âm đạo.
1. Tác dụng của thuốc đặt âm đạo
Thuốc đặt âm đạo hay viên đặt phụ khoa phổ biến thường có 3 dạng:
- Hình quả trứng nhỏ (Thuốc trứng)
- Viên đạn
- Viên nén (loại mới hiện nay)
Một số loại thuốc cần được được làm ướt trước khi đưa vào âm đạo.
Công dụng của các thuốc đặt âm đạo chủ yếu để điều trị viêm nhiễm đường sinh dục, như viêm âm đạo do nấm, vi khuẩn hay trùng roi… gây ra.
- Viêm do nấm: tác nhân phổ biến là nấm Candida albicans. Để điều trị viêm âm đạo do nấm Candida, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đặt âm đạo chứa Clotrimazol hoặc Nystatin kết hợp với 1 trong các loại kháng sinh đường uống như Itraconazol hoặc Fluconazol để giải quyết tình trạng viêm âm đạo do nấm gây ra. Ngoài ra có thể rửa âm hộ hàng ngày với Natri bicarbonat và bôi âm hộ nếu ngứa.
- Viêm do Chlamydia, lậu cầu: Tùy vào vị trí mà có điều trị khác nhau, thường bệnh nhân cần dùng thuốc đặt âm đạo kết hợp với kháng sinh uống hoặc đường tiêm.
- Viêm do trichomonas (trùng roi): cần điều trị cho cả “người ấy” với Metronidazol dạng viên uống cho cả 2 và dạng viên đặt phụ khoa cho người phụ nữ.
2. Các loại thuốc đặt âm đạo phổ biến hiện hành
Hiện nay các loại thuốc đặt âm đạo có mặt trên thị trường với nhiều biệt dược (tên thương mại), trong đó chứa các thành phần khác nhau như estrogen, kháng sinh, glycogen, acid lactic nhưng đều có chung mục đích điều trị các bệnh về phụ khoa. Tuỳ vào từng tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
2.1. Thuốc chứa kháng sinh
Thuốc này bao gồm một hoặc nhiều loại kháng sinh kết hợp nhằm tăng hiệu quả tiêu diệt tác nhân gây viêm kể trên.
2.2. Thuốc chứa nội tiết
2.2.1. Thuốc chứa estrogen
Estrogen là một hormone tự nhiên sinh ra trong cơ thể phụ nữ, giúp làm mềm mại lớp niêm mạc âm đạo và bôi trơn khi làm “chuyện ấy”.
Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, lượng hormon giảm mạnh khiến pH cùng các yếu tố bảo vệ trong âm đạo thay đổi, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn có hại.Thuốc đặt âm đạo chứa estrogen được sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh.
Thuốc đặt âm đạo chứa estrogen được sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh.
2.2.1. Thuốc chứa progesterone
Cũng như estrogen, progesterone cũng là một hormone có sẵn trong cơ thể phụ nữ.
Tuy nhiên hormon này lại được quan tâm nhiều hơn trong thai nghén. Thuốc đặt âm đạo chứa progesterone được dùng để điều trị dọa sảy thai, dọa sinh non hoặc hiếm muộn do suy hoàng thể.
Thuốc cũng được sử dụng với phụ nữ mãn kinh để bổ sung hiệu quả cho liệu pháp estrogen.
2.3. Thuốc chứa glycogen và acid lactic
Glycogen và acid lactic là các thành phần liên quan đến vi khuẩn có lợi Lactobacillus trong âm đạo, giúp đảm bảo độ pH của âm đạo được cân bằng, do đó thuốc đặt âm đạo chứa glycogen, acid lactic làm giảm các triệu chứng kích thích và cảm giác khó chịu do viêm âm đạo gây nên.
3. Hướng dẫn tự đặt thuốc tại nhà
Thuốc đặt âm đạo có thể đưa vào bằng tay hoặc bằng ống, cách sử dụng đơn giản và bạn có thể tự thực hiện như sau:
- Thời điểm đặt thuốc: nên đặt buổi tối ngay trước khi đi ngủ và tránh đứng dậy di chuyển nhiều để hạn chế chảy thuốc ra ngoài âm hộ làm giảm tác dụng.
- Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm và dung dịch vệ sinh phụ nữ rồi lau khô, sau đó rửa sạch tay bằng xà phòng và sử dụng găng tay sạch (nếu có).
- Đặt viên thuốc bên ngoài âm hộ. Nếu sử dụng bơm, hãy đặt ống bơm đúng vị trí và tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nên nằm ngửa, hai chân dạng rộng, gấp gối và đặt hai bàn chân lên mặt giường. Nếu đặt thuốc ở tư thế đứng, bạn có thể gác một chân lên ghế. Nhìn chung là dù với tư thế nào, bạn cũng cần dạng rộng để lộ rõ âm hộ giúp thuốc dễ dàng được đặt sâu vào bên trong.
- Dùng ngón tay đẩy từ từ viên thuốc vào sâu trong âm đạo. Tương tự, cũng nhẹ nhàng đưa ống vào trong âm đạo nếu sử dụng ống bơm.
- Rút ngón tay hoặc ống bơm ra khỏi âm đạo, cuối cùng lại rửa sạch tay.
4. Những sai lầm thường mắc khi dùng thuốc đặt âm đạo
Đặt thuốc âm đạo không đúng cách có thể dẫn đến:
- Đặt thuốc 1 đợt nhưng các triệu chứng viêm không giảm
- Viêm tái đi tái lại
- Gặp biểu hiện bất thường khác sau khi sử dụng thuốc đặt âm đạo như ngứa âm hộ, ra khí hư nhiều có khi lẫn máu,dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu, cảm giác đau khi quan hệ
Các sai lầm thường gặp bao gồm:
- Tự dùng thuốc khi chưa được chỉ định: là tình trạng rất phổ biến. Người bệnh tự mua thuốc mà không đi khám, dùng thuốc theo đơn của người khác hoặc mua thuốc không rõ nguồn gốc.
- Sử dụng thuốc quá lâu: Các bác sĩ thường khuyên dùng thuốc đặt âm đạo trong khoảng 7-10 ngày và không quá 14 ngày. Dùng quá thời gian trên có thể gây khô rát âm đạo, kháng thuốc, loạn khuẩn,… Hơn nữa, tình trạng viêm có thể không những không được cải thiện mà còn nặng hơn nếu dùng thuốc quá lâu.
- Quan hệ tình dục khi đang trong thời gian dùng thuốc: việc giao hợp có thể gây tổn thương niêm mạc âm đạo và tăng nguy cơ nhiễm trùng trong thời gian điều trị.
- Đặt thuốc trong kỳ kinh nguyệt: thời gian này môi trường âm đạo thay đổi và âm đạo – cổ tử cung trở nên nhạy cảm, dễ bị nhiễm khuẩn. Máu kinh cũng có thể làm trôi thuốc ra ngoài, làm giảm tác dụng của thuốc. Vì vậy, tránh sử dụng thuốc đặt âm đạo trong giai đoạn này.
5. Lời khuyên của bác sĩ Ngọc Lan khi dùng thuốc đặt âm đạo
Ngoài việc cần đặt thuốc theo đúng hướng dẫn, tránh các sai lầm thường thấy, để thuốc đặt âm đạo phát huy tối đa công dụng và đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chị em phải lưu ý một số điều quan trọng cần ghi nhớ sau:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và rửa tay, đeo găng tay sạch (nếu có thể) trước khi dùng thuốc để tránh bội nhiễm trong quá trình đặt thuốc.
- Chỉ đặt thuốc sau khi được thăm khám và có chỉ định dùng. Đặt thuốc đúng, đủ liều lượng và thời gian theo liệu trình mà bác sĩ đưa ra.
- Nếu bạn có triệu chứng viêm âm đạo, hãy đi khám sớm và không tự ý điều trị bằng cách mua thuốc hoặc chữa bằng phương pháp dân gian.
- Mỗi loại thuốc đặt âm đạo phù hợp với từng bệnh nhân và từng tác nhân gây viêm.
- Nếu sau khi kết thúc liệu trình điều trị mà tình trạng viêm âm đạo không cải thiện, nên tái khám ngay.
Trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa và sử dụng thuốc đặt âm đạo, các chị em có thể có rất nhiều câu hỏi liên quan, tham gia group Facebook HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA, để được nhận lời khuyên thực tế từ cả những chị em đã có kinh nghiệm và từ BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nhé.
Để biết cách đặt thuốc âm đạo, chị em có thể theo dõi video dưới đây: