Đau, viêm âm hộ: những điều cần biết

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Một trong những nguyên nhân dẫn tới đau âm hộ là tình trạng viêm âm hộ. Vậy bệnh lý ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sinh dục. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị viêm, đau âm hộ qua bài viết dưới đây nhé!

1. Giải thích một số định nghĩa cơ bản

Âm hộ là bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ bao gồm môi lớn, môi bé, âm vật và tuyến tiền đình. Âm hộ có chức năng bảo vệ hệ thống các bộ phận sinh dục ở phía trong. 

Đau âm hộ là tình trạng xuất hiện cảm giác đau ở khu vực xung quanh âm hộ. Viêm âm hộ là tình trạng các vi sinh vật tấn công vào âm hộ gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ vùng âm hộ. Đây là dấu hiệu tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này có thể gây ra nhiều khó chịu và đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Âm hộ là cơ quan sinh dục ngoài, giúp bảo vệ các cấu trúc bên trong hệ sinh dục
Âm hộ là cơ quan sinh dục ngoài, giúp bảo vệ các cấu trúc bên trong hệ sinh dục

2. Nguyên nhân viêm âm hộ

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau và viêm âm hộ, bao gồm:

  • Vi khuẩn, nấm hoặc virus tấn công khiến cho âm hộ đau và viêm.
  • Một số sản phẩm vệ sinh cá nhân, chất tẩy rửa, quần áo và đồ lót có thể gây kích ứng, dẫn đến viêm âm hộ
  • Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai khiến cơ quan này xuất hiện tình trạng đau.
  • Một số bệnh lý di truyền, tình trạng dị ứng thực phẩm hoặc tổn thương kích thích dây thần kinh âm hộ.
Các vi sinh vật có thể tấn công âm hộ và gây viêm
Các vi sinh vật có thể tấn công âm hộ và gây viêm

3. Triệu chứng 

Các triệu chứng của đau và viêm âm hộ có thể bao gồm:

  • Xuất hiện những cơn đau âm hộ dữ dội hoặc âm ỉ, liên tục hoặc từng cơn. 
  • Cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở âm hộ. 
  • Âm hộ có thể đỏ, sưng và đau khi chạm vào.
  • Dịch âm đạo có thể có màu trắng, vàng hoặc xanh, có mùi hôi.
  • Khi giao hợp có thể gây đau và khó chịu ở âm hộ.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt. 
Viêm vùng âm hộ có thể gây nên tình trạng đau dữ dội vùng kín
Viêm vùng âm hộ có thể gây nên tình trạng đau dữ dội vùng kín

4. Chẩn đoán

Khi người bệnh tìm đến bác sĩ với lý do đau âm hộ. Các bác sĩ sẽ tiến hành loại trừ những nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng này bằng các câu hỏi như:

  • Đau như thế nào, đau có kèm theo dấu hiệu gì không, đau ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cuộc sống.
  • Trong khi quan hệ tình dục, người bệnh có cảm thấy bất thường hay không. Đối tác có mắc những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay không.
  • Tiền sử các bệnh lý đã mắc và những phẫu thuật đã từng thực hiện qua.

Khi nghi ngờ người bệnh mắc viêm âm hộ, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm dịch âm hộ và âm đạo để xác định vị trí đau, mức độ đau, nguyên nhân đau. Trong một số trường hợp nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm sinh thiết da âm hộ.

5. Điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau và viêm âm hộ, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể là:

  • Thuốc gây tê: sử dụng trực tiếp trên da, có tác dụng giảm đau ngắn hạn. Loại thuốc này không thể loại bỏ nguyên nhân nhưng có thể được sử dụng trước khi quan hệ tình dục để làm giảm cảm giác đau.
  • Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh: ngoài tác dụng chính giúp điều trị dấu hiệu trầm cảm và ngăn ngừa xuất hiện các cơ co giật, những loại thuốc này còn giúp giảm các triệu chứng đau tại âm hộ. Thời gian các thuốc này có tác dụng khoảng vài tuần sau thời điểm dùng thuốc lần đầu tiên. 
  • Gel bôi Estrogen: giúp giảm tình trạng đau do khô âm hộ.
  • Vật lý trị liệu: đây là biện pháp giúp các cơ ở vùng sàn chậu thoải mái, đồng thời làm tăng sự săn chắc của các cơ. Nhờ vào tác dụng này, vật lý trị liệu có thể giảm tình trạng đau ở âm hộ.

6. Chị em nên làm gì để giảm đau âm hộ

Để giảm tình trạng đau và viêm âm hộ, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp để vơi đi nỗi đau này:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách: chăm sóc nhẹ nhàng và chỉ làm sạch âm hộ bằng nước, tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh. Vệ sinh vùng kín phải được tiến hành hằng ngày, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trong những ngày “đèn đỏ” hoặc sau khi quan hệ tình dục.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái: tránh mặc quần áo bó sát, chật chội, lựa chọn đồ lót có chất liệu thoải mái (cotton 100%).
  • Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng: không sử dụng các dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh, tampon dễ gây kích ứng trên da.
  • Giữ vệ sinh khi quan hệ tình dục: sử dụng bao cao su và chất bôi trơn không gây kích ứng khi quan hệ tình dục.
  • Không sử dụng máy sấy tóc để làm khô âm hộ.
  • Không thụt rửa âm đạo.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp giảm các vi sinh vật gây bệnh cho âm hộ
Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp giảm các vi sinh vật gây bệnh cho âm hộ

7. Lời khuyên của bác sĩ

Khi cảm giác đau diễn ra trong thời gian dài, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên Sản phụ khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp. Do quá trình điều trị dấu hiệu này có thể diễn ra trong thời gian dài nên người bệnh cần chọn những cơ sở chăm sóc có thể theo dõi sát sao diễn biến bệnh.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng đau và viêm âm hộ nên sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà. 

Khi quyết định đi khám, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái và không thụt rửa âm đạo trước khi kiểm tra vì có thể ảnh hưởng việc nhân định triệu chứng cũng như xác định nguyên nhân gây viêm âm hộ của bác sĩ. Sau khi kết thúc thăm khám, người bệnh có thể đặt một số câu hỏi cho bác sĩ để phục vụ tốt hơn cho điều trị như:

  • Người bệnh nên tránh những hoạt động nào để không làm tăng mức độ đau.
  • Người bệnh có được quan hệ tình dục trong thời gian điều trị hay không.
  • Những lưu ý sử dụng thuốc và thay đổi lối sống nào có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả điều trị.

Đau và viêm âm hộ là một tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều cách để làm giảm bớt các triệu chứng của đau và viêm âm hộ và ngăn ngừa tình trạng này tái phát. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của tình trạng trên, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ