Vô kinh: Nguyên nhân, cách điều trị, lưu ý khi đi khám

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Nhiều chị em phụ nữ bày tỏ rằng mình rất lo lắng khi kinh nguyệt có dấu hiệu không đều, liệu lâu dài có dẫn đến vô kinh không?

Vô kinh là tình trạng mất kinh nguyệt ít nhất 3 chu kì liên tiếp nhau ở người đã từng có kinh hoặc trên 15 tuổi nhưng chưa có kinh. Tùy từng nguyên nhân mà vấn đề này có thể được điều trị để đưa chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

1. Chậm kinh như thế nào thì nghi ngờ là vô kinh?

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý, trong đó trung bình mỗi tháng một lần người phụ nữ ra huyết âm đạo. Đây là hiện tượng có tính chu kỳ, xuất hiện từ tuổi dậy thì đến khi mãn kinh.

Cơ chế của chu kỳ kinh nguyệt là: Dưới sự tác động đều đặn của hormon, niêm mạc tử cung được phát triển tạo thuận lợi cho mang thai, nếu không có thai, niêm mạc tử cung sẽ dần thoái triển đẩy ra ngoài gây hiện tượng kinh nguyệt.

Vô kinh là hiện tượng không có chu kỳ kinh một thời gian quy định. Thời gian quy định đó là 15 tuổi nhưng chưa từng có kinh nguyệt trong khi các đặc điểm sinh dục thứ phát khác phát triển bình thường gọi là vô kinh nguyên phát, là 3 tháng nếu đã từng có kinh nguyệt đều hoặc là 6 tháng nếu đã từng có kinh nguyệt không đều gọi là vô kinh thứ phát.

Vô kinh: Biến đổi hormone estrogen theo tuổi của phụ nữ 
Vô kinh: Biến đổi hormone estrogen theo tuổi của phụ nữ

Kinh nguyệt được điều hòa bởi một hệ thống hormon phức tạp (estrogen và progesterone) dưới sự kiểm soát của các cơ quan nội tiết như: Vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng.

Chu kỳ kinh của phụ nữ rất dễ bị ảnh hưởng khi các hormon nội tiết bị dao động bởi các yếu tố như: stress, tâm lý lo lắng, thay đổi cân nặng, sử dụng thuốc tránh thai hoặc mang thai… gây ra sự chậm trễ kinh nguyệt.

Chính vì thế, khi có dấu hiệu của chậm kinh, chị em phụ nữ cần theo dõi cẩn thận tình trạng kinh nguyệt theo như thời gian quy định bên trên để phát hiện sớm.

2. Dấu hiệu và nguyên nhân

Sở dĩ người ta phân biệt vấn đề này làm hai loại nguyên phát và thứ phát vì ý nghĩa chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

2.1. Vô kinh nguyên phát

Vấn đề này xảy ra khi bạn chưa có kinh nguyệt trước 15 tuổi. Các nguyên nhân bao gồm:

  • Rối loạn hệ thống nội tiết từ trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.
  • Vấn đề về cấu trúc bộ phận sinh dục, ví dụ như không có tử cung, không có âm đạo, không có buồng trứng, màng trinh không thủng .
  • Bất thường do rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Turner , hội chứng Morris (nam giới nhưng có kiểu hình nữ giới) 
  • Hội chứng thượng thận – sinh dục: có nghĩa là có buồng trứng nhưng mang đặc điểm sinh dục phụ của nam (có râu, lông nách,..)
Hội chứng Turner - đột biến nhiễm sắc thể 
Hội chứng Turner – đột biến nhiễm sắc thể

2.2. Vô kinh thứ phát

Đây là tình trạng bạn bị trễ kinh từ 3 tháng trở lên sau khi có kinh nguyệt bình thường trước đó.

Tất cả những nguyên nhân đều có thể là những nguyên nhân gây vô kinh thứ phát, trừ những bất thường bẩm sinh về cấu trục bộ phận sinh dục và những bất thường bẩm sinh khác.

Bất thường tử cung - buồng trứng gây ra vô kinh 
Bất thường tử cung – buồng trứng gây ra vô kinh
  • Bất thường tuyến nội tiết: suy tuyến yên, hoại tử tuyến yên, buồng trứng suy tàn sớm,…
  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc dụng cụ tránh thai có chứa hormon kéo dài làm ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên.
  • Tiếp nhận điều trị hóa – xạ trị cho bệnh ung thư.
  • Do lối sống sinh hoạt:
  • Dinh dưỡng kém .
  • Thay đổi cân nặng – giảm hoặc tăng cân quá mức.
  • Thói quen tập thể dục cực độ thường gặp ở những vận động viên hoặc những phụ nữ có chế độ luyện tập thể lực nghiêm ngặt, căng thẳng.
  • Sang chấn tâm lý hay tinh thần căng thẳng kéo dài có thể tạm thời làm rối loạn hoạt động của trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Do đó, hiện tượng rụng trứng và có kinh nguyệt ở phụ nữ có thể bị dừng một cách đột ngột
  • Bất thường cấu trúc cơ quan sinh dục như: dính buồng tử cung sau nạo hút thai, mổ lấy thai,…
  • Vô kinh sinh lý ở phụ nữ đang có thai, đang nuôi con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc phụ nữ đang thời kỳ mãn kinh.

2.3. Các yếu tố nguy cơ gây vô kinh là gì?

Các yếu tố nguy cơ gây vô kinh bao gồm:

  • Tiền sử gia đình.
  • Tình trạng di truyền hoặc nhiễm sắc thể ảnh hưởng đến buồng trứng hoặc tử cung
  • Béo phì hoặc thiếu cân
  • Rối loạn ăn uống: không thèm ăn hoặc chứng ăn vô độ
  • Tập thể dục quá sức
  • Chế độ ăn kiêng không lành mạnh
  • Một số loại thuốc: thuốc điều trị trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng

3. Điều trị vô kinh

Việc lựa chọn phác đồ điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Có nhiều biện pháp điều trị như: thay đổi lối sống, sử dụng hormone tạo vòng kinh nhân tạo, phẫu thuật,…

Bác sĩ sẽ là người chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng nguyên nhân và cá thể. Trước khi điều trị, cần phải loại trừ vô kinh do nguyên nhân sinh lý như thai nghén, phụ nữ đang cho con bú, rồi mới được phép sử dụng hormon sinh dục nữ để gây vòng kinh nhân tạo.

  • Thay đổi lối sống:
  • Thực hiện theo kế hoạch ăn kiêng lành mạnh có tư vấn của chuyên viên dinh dưỡng và tập thể dục giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh cho mình.
  • Quản lý công việc hiệu quả để tránh căng thẳng tinh thần
  • Thay đổi mức độ tập luyện phù hợp với thể trạng của mình. Để tập luyện được tốt nhất bạn nên có người hướng dẫn.
  • Vòng kinh nhân tạo là phương pháp dùng hormon estrogen và progesterone theo trình tự giống vòng kinh tự nhiên. Vào cuối chu kỳ kinh nguyệt, hormones không được cung cấp khiến cho hiện tượng kinh nguyệt xảy ra. Thường biện pháp này được duy trì trong 3 chu kỳ kinh để điều chỉnh lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
  • Phẫu thuật hoặc thủ thuật trong trường hợp như: phá màng trinh khi màng không thủng, nong tử cung trong dính buồng tử cung, …

4. Cách phòng tránh

Cách phòng tránh vô kinh tốt nhất là phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh và điều chỉnh chúng.

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống cân đối với đủ chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng lành mạnh, tránh những biến động cân nặng đột , tập thể dục đều đặn nhưng không quá mức.
  • Quản lý stress: Học cách giảm stress thông qua thiền, yoga, hoặc hoạt động giải trí, tìm kiếm hỗ trợ tâm lý khi cần thiết.
  • Điều chỉnh hoạt động thể chất: Tránh tham gia các hoạt động thể chất quá mức hoặc mệt mỏi đột ngột
  • Quản lý cảm xúc: Học cách quản lý cảm xúc và giữ tâm lý ổn định.
  • Tránh các chất kích thích: Hạn chế tiêu thụ caffeine và nicotine, tránh các chất kích thích khác có thể ảnh hưởng đến điều tiết hormone.
  • Sử dụng phương pháp tránh thai: theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng và cách sử dụng.
  • Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Kiểm tra định kỳ sức khỏe với bác sĩ để theo dõi và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe.
  • Điều trị sớm và triệt để những vấn đề về sức khỏe như bệnh cường giáp, lao sinh dục, viêm nhiễm,…

5. Lời khuyên của bác sĩ

Đối với phụ nữ, việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt vô cùng quan trọng, giúp sớm phát hiện sự bất thường của chu kỳ kinh. Khi đi khám, để chẩn đoán được chính xác, bác sĩ cần trao đổi với bạn một số thông tin về:

  • Thời gian chu kỳ kinh nguyệt cụ thể? (bình thường khoảng 28 – 35 ngày)
  • Thời gian mỗi lần đến chu kỳ kéo dài bao nhiêu ngày?
  • Số lượng máu kinh có biến đổi như thế nào trước khi vô kinh?
  • Bạn cần thay bao nhiêu băng vệ sinh/ngày?
  • Ngoài ra có kèm theo triệu chứng khác như đau bụng không?
  • Biện pháp tránh thai sử dụng là gì?
  • Trong gia đình có ai có triệu chứng tương tự?
  • Bệnh lý đã từng phát hiện của bạn?
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt 
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt

Những câu hỏi trên giúp bác sĩ hiểu thêm về tình trạng cụ thể của bạn, giúp đưa ra các chỉ định xét nghiệm, hướng chẩn đoán, tìm nguyên nhân và điều trị bệnh đúng hướng dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn.

Nếu bạn có vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, đừng ngại chia sẻ vấn đề với bác sĩ. Hãy ghi chép mọi triệu chứng hoặc thay đổi bạn cảm nhận được trong suốt chu kỳ và đến cơ sở y tế để được nhận lời tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Đăng ký khám tại đây

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Bị rối loạn kinh nguyệt có thai được không?

Liệu rối loạn kinh nguyệt có thai được không? Tìm hiểu ngay sự ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt đến khả năng thụ thai và cách khắc phục hiệu quả. Đọc ngay!

Thông tin kiến thức
Bị lộ tuyến là gì? Có nguy hiểm không?

Nhiều chị em đi khám được chẩn đoán là viêm lộ tuyến. Vậy bị lộ tuyến là gì? Bệnh có nguy hiểm không và cách phát hiện bệnh như thế nào?

Thông tin kiến thức
Bà bầu bị đau đầu 3 tháng giữa liệu có nguy hiểm?

Bầu bị đau đầu 3 tháng giữa gây khó chịu và lo lắng cho mẹ bầu. Bài viết này sẽ giải thích nguyên nhân và cung cấp các biện pháp giảm đau an toàn, hiệu quả.

Thông tin kiến thức
Tại sao mẹ bầu bị đau đầu 3 tháng cuối?

Mẹ bầu bị đau đầu 3 tháng cuối là triệu chứng thường gặp. Vậy đó có phải là một dấu hiệu nguy hiểm? Đọc ngay!

All in one
Liên hệ