Bài viết này tập trung vào lạc nội mạc tử cung, một rối loạn mô giống mô tử cung phát triển bên ngoài khoang tử cung. Chúng ta sẽ tìm hiểu về tác động của lạc nội mạc tử cung đến khả năng thụ tinh, duy trì thai nhi và cách giảm thiểu rủi ro khi mang thai.
1. Ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung đến thai kỳ
1.1. Trước khi có thai
Lạc nội mạc tử cung là một rối loạn bệnh lý trong đó các mô giống như mô bình thường lót bên trong tử cung phát triển bên ngoài khoang tử cung, các vị trí bám của mô lạc nội mạc tử cung như bên ngoài tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.
Khi bất kỳ cơ quan nào trong số này bị tổn thương, bị chặn, hoặc bị kích thích bởi các mô này, việc thụ tinh và duy trì thai nhi trở nên khó khăn hơn. Tuổi tác, sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của tình trạng sức khỏe của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng có thai của bạn.
1.2. Trong khi có thai
Lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khi mang thai và sinh nở . Điều này có thể được gây ra bởi tình trạng viêm, tổn thương cấu trúc tử cung và ảnh hưởng nội tiết tố gây ra lạc nội mạc tử cung.
Sảy thai
Một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng tỷ lệ sảy thai ở những người bị lạc nội mạc tử cung cao hơn những người không mắc bệnh này. Điều này đúng ngay cả với những người bị nhẹ.
Bạn hoặc bác sĩ của bạn không thể làm gì để ngăn chặn sẩy thai xảy ra, nhưng điều quan trọng là bạn phải nhận biết các dấu hiệu của dọa sẩy thai và sẩy thai để có thể tìm kiếm sự trợ giúp y tế và tinh thần để phục hồi đúng cách.
Nếu bạn mang thai dưới 12 tuần, các triệu chứng của sảy thai như chảy máu, đau vùng bụng, thắt lưng,…, xảy ra trên các phụ nữ trước đó có thế đã phát hiện ra có các dấu hiệu có thai.
Triệu chứng của sảy thai ở những phụ nữ có thai kỳ trên 12 tuần cũng tương tự, nhưng mức độ sẽ nặng hơn và gây nguy hiểm hơn cho sản phụ.
Sinh non
Theo các phân tích nghiên cứu, thai phụ mắc lạc nội mạc tử cung có tỉ lệ sinh non gấp 1,5 lần các thai phụ không có bệnh này. Một em bé được coi là sinh non nếu em bé được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ.
Trẻ sinh non thường có cân nặng khi sinh thấp và có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe và phát triển. Các triệu chứng chuyển dạ sớm bao gồm:
- Các cơn co thắt thường xuyên: Các cơn co thắt là tình trạng thắt chặt xung quanh phần bụng giữa của bạn, có thể gây đau hoặc không.
- Thay đổi dịch tiết âm đạo: Nó có thể có máu hoặc có chất nhầy, nước ối trong trường hợp vỡ ối sớm.
Rau tiền đạo
Khi mang thai, thai nhi và nhau thai sẽ phát triển. Nhau thai cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển thông qua máu của bạn.
Hầu hết nhau thai đều bám vào thành tử cung, cách xa cổ tử cung. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, nhau thai có thể ở gần hoặc ngay trên lỗ cổ tử cung. Điều này được gọi là nhau(rau) thai tiền đạo .
Nhau thai tiền đạo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu đáng kể trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Người bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ gia tăng với tình trạng đe dọa tính mạng này. Triệu chứng chính là chảy máu âm đạo màu đỏ tươi. Nếu lượng máu chảy ra ở mức tối thiểu, bạn có thể được khuyên nên hạn chế các hoạt động của mình, bao gồm cả quan hệ tình dục và tập thể dục. Nếu chảy máu nhiều, bạn có thể cần truyền máu và mổ cấp cứu .
1.3. Con sau khi sinh ra
Biến chứng của sinh non và nhau tiền đạo tới thai nhi.
Một số biến chứng nguy hiểm thường gặp ở trẻ sinh non hay mắc phải như:
- Vàng da, vàng mắt, ứ mật do tan máu.
- Thiếu máu.
- Hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.
- Hội chứng suy hô hấp do cơ quan hô hấp chưa phát triển dẫn.
- Ngưng thở khi ngủ do suy giảm chức năng hệ hô hấp.
- Dễ nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ mắc viêm ruột hoại tử.
- Bệnh màng trong do phổi chưa phát triển hoàn toàn để tiết surfactant giúp phế nang ở phổi trẻ sơ sinh giãn nở tốt để cung cấp oxy.
- Không thể duy trì huyết áp bình thường, huyết áp thấp.
Biến chứng của thai nhi khi mắc rau tiền đạo:
- Thai chậm phát triển trong tử cung
- Thiếu máu thai
- Bất thường ngôi thai
- Thai non tháng: Khả năng phải chấm dứt thai kỳ nếu tăng tình trạng xuất huyết âm đạo tăng dần trước khi thai trưởng thành làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của thai nhi
2. Giảm thiểu ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung đến thai nhi
Phụ nữ mang thai mắc lạc nội mạc tử cung cần phải chú ý đến sức khỏe của mình và thai nhi để giảm thiểu các ảnh hưởng đối với thai nhi. Dưới đây là một số lời khuyên:
- Tìm kiếm sự giúp đỡ y tế: Nếu bạn được chẩn đoán mắc lạc nội mạc tử cung, hãy liên hệ với bác sĩ của mình ngay lập tức. Họ có thể cung cấp cho bạn các lựa chọn điều trị phù hợp và an toàn cho cả bạn và thai nhi.
- Tuân thủ lịch trình kiểm tra: Đảm bảo rằng bạn tuân thủ lịch trình kiểm tra thai kỳ của mình. Điều này giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của bạn.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối. Điều này giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả bạn và thai nhi.
- Tập luyện nhẹ nhàng: Tập luyện nhẹ nhàng như yoga hoặc đi bộ có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm căng thẳng.
- Tránh căng thẳng: Hãy tìm cách giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Điều này có thể bao gồm việc thực hiện các bài tập thư giãn, ngủ đủ giấc, và dành thời gian cho sở thích yêu thích của bạn.
3. Điều trị lạc nội mạc tử cung
Phẫu thuật và liệu pháp hormone là những phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, đối với các phụ nữ mang thai, các phương pháp điều trị trên thường không được khuyến khích.
Thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm bớt sự khó chịu do lạc nội mạc tử cung. Thế nhưng, điều quan trọng là bạn phải làm việc với bác sĩ để biết uống thuốc nào an toàn trong thai kỳ và thời gian sử dụng thuốc. Chị em tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Một số biện pháp giúp phòng ngừa hoặc giảm các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung trong thai kỳ bao gồm:
- Tắm nước ấm
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ để giúp giảm nguy cơ táo bón
- Đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập yoga trước khi sinh để giãn lưng và giảm đau lưng do lạc nội mạc tử cung
4. Lời khuyên của bác sĩ
Bị lạc nội mạc tử cung có thể khiến bạn khó thụ thai hơn và cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng. Những người mang thai mắc bệnh này được coi là có nguy cơ cao hơn.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bạn có thể được theo dõi thường xuyên và cẩn thận hơn trong suốt thai kỳ để bác sĩ có thể nhanh chóng xác định các biến chứng nếu chúng phát sinh.
Tuy nhiên, mang thai và sinh con khỏe mạnh là điều có thể xảy ra và phổ biến với bệnh lạc nội mạc tử cung. Chị em không nên lo lắng quá, hãy giữ cho mình một tinh thần và thói quen sinh hoạt tốt để giảm ảnh hưởng của tình trạng bệnh đối với thai kỳ.
Nếu có bất cứ câu hỏi nào về lạc nội mạc tử cung trong khi mang thai, bạn hãy tham khảo các ý kiến của chuyên gia để được trợ giúp. Đăng ký khám với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan tại đây