Bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có sao không?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Nhiều chị em thắc mắc việc bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có làm sao không, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan để được giải đáp nhé.

Tình trạng bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có thể là lành tính hoặc là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như sảy thai, thai ngoài tử cung,… Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm về các dấu hiệu và cách điều trị tình trạng này nhé.

1. Nguyên nhân bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới

Trong thời kỳ đầu mang thai, nhiều phụ nữ bị đau bụng dưới và điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra triệu chứng này có thể liên quan hoặc không liên quan đến thai kỳ. Các nguyên nhân của việc bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới phổ biến có thể kể đến như:

  • Nguyên nhân do các biến đổi bình thường của quá trình mang thai. Điều này có thể xảy ra do các hormon của cơ thể thay đổi hoặc tử cung cần phải phát triển để có thể chứa thai nhi.
  • Thai kỳ có các bất thường như sảy thai, thai ngoài tử cung,… Đặc biệt, tình trạng mang thai ngoài tử cung là nguyên nhân nghiêm trọng nhất dẫn đến đau bụng dưới ở thời kỳ đầu thai kỳ.
  • Nguyên nhân do các cơ quan khác, đặc biệt là từ hệ tiêu hóa và tiết niệu như các bệnh lý về nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích,…

Có thể thấy, tình trạng bầu 3 tháng đau bụng dưới xảy ra khá phổ biến với các nguyên nhân rất đa dạng. Chị em phụ nữ cần lưu ý các dấu hiệu bất thường khác kèm theo, cũng như đến khám tại các cơ sở y tế để xác định tình trạng này có nguy hiểm hay không.

Bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới
Bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới

2. Yếu tố nguy cơ đau bụng dưới khi mang thai

Một số đặc điểm của người bệnh có thể làm tăng tỉ lệ đau bụng dưới khi mang thai. Đặc biệt, nguyên nhân do sảy thai và chửa ngoài tử cung là các bệnh lý rất nguy hiểm đối với sản phụ. Ngày nay, một vài yếu tố nguy cơ  đã được y học ghi nhận có thể làm cho phụ nữ bị sảy thai, thai ngoài tử cung. Điều này dẫn tới triệu chứng đau bụng dưới trong thai kỳ, đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng đầu.

Các yếu tố nguy cơ đối với sảy thai bao gồm:

  • Nữ giới trên 35 tuổi
  • Đã từng sảy thai trước đây
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng một số chất kích thích (rượu bia, cà phê,…).
  • Tử cung có các bất thường về hình dạng hoặc có u xơ, sẹo.

Các yếu tố nguy cơ đối với chửa ngoài tử cung bao gồm:

  • Từng mang thai ngoài tử cung trước đây (đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất).
  • Đã có tiền sử phẫu thuật vùng bụng, nhất là phẫu thuật thắt ống dẫn trứng.
  • Bất thường ở ống dẫn trứng.
  • Mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa.
  • Mắc các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong lần mang thai hiện tại như thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Có tiền sử nạo phá thai trước đây.
Chửa ngoài tử cung gây đau bụng
Chửa ngoài tử cung gây đau bụng

3. Bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có sao không?

Rất nhiều chị em thắc mắc việc mang bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có sao không? BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1, BV Phụ Sản Trung Ương cho biết khi có triệu chứng đau bụng, bác sĩ sẽ đánh giá liệu nguyên nhân là do những thay đổi bình thường của thai kỳ hay do các vấn đề sức khỏe bất thường nào khác. 

Các trường hợp đau bụng dưới do quá trình phát triển của thai nhi gây ra khá phổ biến. Đây là tình trạng sinh lý bình thường do đó chị em không cần lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, bạn cần phải đi khám thai định kỳ để được theo dõi quá trình phát triển, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Nếu trường hợp thai phụ bị đau đột ngột, rất dữ dội ở vùng bụng dưới hoặc xương chậu, chị em cần cảnh giác với các bệnh lý khác có thể gặp phải. Khi đó cần đến gặp bác sĩ ngay để nhanh chóng xác định nguyên nhân và xem xét phương án xử trí kịp thời.

4. Khi nào đau bụng dưới trong 3 tháng đầu là nguy hiểm?

Chị em giai đoạn bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới thì cần lưu ý và theo dõi một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm dưới đây:

  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng dữ dội, đau thành từng cơn, đau bụng ở 1 bên hoặc đau tăng khi cử động
  • Sốt và ớn lạnh
  • Cảm giác choáng váng, ngất xỉu
  • Tim đập nhanh
  • Dịch âm đạo bất thường
  • Cảm giác đau khi đi tiểu

Đây là những tình trạng kèm theo đáng lo ngại và có thể gặp ở một số bệnh lý gây nguy hiểm cho sản phụ. Trong đó một số bệnh có thể gặp như sảy thai, vỡ thai ngoài tử cung hay viêm ruột thừa,… nếu điều trị muộn có thể để lại hậu quả khó lường. Vì vậy, người bệnh cần được chuyển đến cấp cứu để được phẫu thuật kịp thời.

Dấu hiệu ra máu âm đạo nguy hiểm khi mang thai
Dấu hiệu ra máu âm đạo nguy hiểm khi mang thai

5. Phải khám với bác sĩ sau bao lâu?

5.1. Thời điểm khám với bác sĩ

Các sản phụ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bản thân trong giai đoạn này. Cho dù không có các tình trạng nguy hiểm nhưng nếu việc đau bụng dưới gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc trở nên nặng hơn, chị em cũng nên tới gặp bác sĩ sau 1 vài ngày. 

Khi đó, bác sĩ sẽ cho biết vấn đề mà chị em gặp phải và tư vấn về cách khắc phục. Đối với các sản phụ có thai kỳ khỏe mạnh và không có vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng, bác sĩ sẽ hẹn khám lại theo lịch khám thai dự kiến. 

Tuy nhiên, nếu gặp phải những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đã kể trên, chị em nên đi gặp bác sĩ ngay khi phát hiện. Bạn cần tránh trì hoãn việc khám bệnh vì điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé, nặng hơn có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

5.2. Bác sĩ khám những gì?

Để xác định xem có cần phẫu thuật khẩn cấp hay không, trước tiên các bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp và nhiệt độ của thai phụ. Ngoài ra, cần hỏi kỹ về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, chẳng hạn như tình trạng đau bụng, chảy máu âm đạo,…

Bác sĩ có thể hỏi một số câu về triệu chứng chính như:

  • Cơn đau xuất hiện từ khi nào?
  • Vị trí đau ở đâu? Đau có lan rộng sang các vị trí khác hay không?
  • Việc di chuyển hoặc thay đổi tư thế có làm cơn đau tăng lên hay không?
  • Âm đạo có chảy máu hay dịch bất thường hay không?

Sau đó, các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng khác và tiền sử bệnh như tiền sử sảy thai, nạo phá thai, chửa ngoài tử cung,… Tiếp theo, người bệnh cần được khám xét kỹ lưỡng về tình trạng thai nhi và các bộ phận liên quan như cơ quan sinh sản, tiêu hóa, tiết niệu,.. Có thể bác sĩ sẽ khám thông qua quan sát tình trạng bên ngoài, bên trong âm đạo bằng mỏ vịt cũng như kiểm tra vùng bụng để tìm các dấu hiệu bất thường.  

Ngoài ra, các xét nghiệm cũng rất cần thiết để xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng dưới cho sản phụ. Dưới đây là một số xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh mà người bệnh cần làm:

  • Xét nghiệm nồng độ beta HCG: Để xác định thai đang phát triển bình thường và có nằm trong buồng tử cung hay không thì đây là một xét nghiệm cần thiết. Với những trường hợp sảy thai, xét nghiệm này cũng có thể giúp chẩn đoán khi nồng độ HCG ở ngưỡng thấp hơn so với bình thường.
  • Siêu âm ổ bụng và nội soi tử cung: Đối với siêu âm, thiết bị sẽ được đặt bên trên bụng và với nội soi tử cung thiết bị sẽ được đưa vào trong âm đạo người bệnh. Hai phương pháp này có thể được kết hợp với nhau để cho ra hình ảnh thai rõ nét nhất.
  • Xét nghiệm máu: Đây là một trong các xét nghiệm thường quy được thực hiện khi đi khám. Các chỉ số có thể cho biết về tình trạng bệnh nhân có đang viêm, thiếu máu hoặc gặp vấn đề về đông máu hay không.

Ngoài ra, người bệnh có thể được yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác nếu như bác sĩ cảm thấy cần thiết để xác định bệnh. Sau khi có kết quả hỏi bệnh, thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và hướng xử lý tiếp theo cho từng nguyên nhân. Với các tình trạng nguy hiểm như sảy thai, thai ngoài tử cung hay viêm ruột thừa, sản phụ sẽ cần được chuyển đi để thực hiện phẫu thuật ngay lập tức.

Quá trình siêu âm giúp xác định tình trạng sức khỏe thai nhi
Quá trình siêu âm giúp xác định tình trạng sức khỏe thai nhi

6. Điều trị đau bụng trong 3 tháng đầu thai kỳ

Đối với tình trạng bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới do những thay đổi bình thường khi mang thai, các chị em có thể sử dụng những phương pháp sau để giảm đau như:

  • Tập thể dục nhẹ nhàng với các bài tập an toàn cho thai nhi
  • Tránh làm việc quá sức, làm những việc nặng nhọc
  • Mặc quần áo có chun co giãn hỗ trợ bụng hoặc lưng
  • Sử dụng gối kẹp giữa 2 đầu gối khi ngủ

Đối với một số tình trạng nguy hiểm, thai phụ sẽ được điều trị theo từng phương pháp cụ thể:

  • Sảy thai: Ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, bác sĩ có thể sử dụng thuốc uống để đưa thai ra ngoài hoặc sử dụng các thủ thuật thủ thuật nong và nạo để loại bỏ thai.
  • Chửa ngoài tử cung: Cần dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của thai ngoài tử cung hoặc phẫu thuật để loại bỏ.
  • Xoắn buồng trứng hoặc ống dẫn trứng: Phẫu thuật để tháo xoắn hoặc cắt bỏ buồng trứng hoặc ống dẫn trứng nếu không thể tháo xoắn.
  • Viêm ruột thừa: Phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột thừa cho bệnh nhân.

7. Lời khuyên của bác sĩ

Có thể thấy tình trạng bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới ở các chị em không phải điều hiếm gặp. Điều này có thể do các nguyên nhân lành tính, tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu cảnh bảo các bệnh lý nguy hiểm ở sản phụ. 

Vì vậy cần lưu ý theo dõi sát sao tình trạng của bản thân để biết nên làm gì. Nếu xuất hiện một trong các triệu chứng như đau dữ dội, không thuyên giảm, nôn, ra máu âm đạo, sốt,… mẹ bầu cần đến bệnh viện để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.

Ngoài ra, cần tránh tự xử lý khi đau bụng dưới tại nhà bởi việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm và gây ra các tác dụng không mong muốn. Việc khám thai định kỳ cũng vô cùng quan trọng để theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Hãy lưu ý các thời điểm khám thai định kỳ cũng như đến khám khi thấy có các dấu hiệu bất thường.

Nếu có nhu cầu được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ đầu ngành, hãy đặt lịch khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa ngay nhé!

Liên hệ - đặt lịch


    Bài viết liên quan

    Thông tin kiến thức
    Bế sản dịch sau sinh: 7 điều cần biết

    Bế sản dịch sau sinh là tình trạng sản dịch tồn đọng lại ở tử cung, gây các biến chứng nguy hiểm. Do đó, chị em cần nắm rõ nguyên nhân và cách phòng tránh.

    Thông tin kiến thức
    Cách cầm máu khi bị nhau tiền đạo hiệu quả

    Hướng dẫn cách cầm máu khi bị nhau tiền đạo hiệu quả và an toàn nhất. Tìm hiểu nhau tiền đạo là gì và cách giảm nguy cơ biến chứng rau tiền đạo dưới đây.

    Thông tin kiến thức
    Quy trình đặt vòng tránh thai như thế nào?

    Đặt vòng tránh thai cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Bài viết hướng dẫn quy trình đặt vòng tránh thai và một số lưu ý khi đặt vòng.

    Thông tin kiến thức
    Đặt vòng có đau không?

    Đặt vòng có đau không? Theo bác sĩ, đặt vòng chỉ khó chịu ít phút, ít khi đau rát kéo dài. Nhưng chị em cần lưu ý biến chứng và chống chỉ định.

    All in one
    Liên hệ