Chậm kinh có thể là dấu hiệu của mang thai, stress, thay đổi cân nặng hoặc các vấn đề sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS),… Nếu chậm kinh kéo dài, chị em cần đi khám để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
1. Chậm kinh là gì?
Chậm kinh (còn gọi là trễ kinh) là hiện tượng kinh nguyệt bất thường thường gặp ở nữ giới. Thông thường, nếu quá 35 ngày kể từ kỳ kinh cuối cùng mà chưa thấy kinh trở lại thì được coi là chậm kinh. Khi mất kinh từ 3 kỳ liên tiếp trở lên, không do có thai thì gọi là vô kinh.
2. Những nguyên nhân thường gặp gây chậm kinh
Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, chậm kinh thường xảy ra ở 2 thời điểm: lúc mới dậy thì và khi bước vào tuổi mãn kinh. Lý do chu kỳ kinh nguyệt thường không ổn định ở giai đoạn này. Ngoài ra, các nguyên nhân chậm kinh còn có thể do:
2.1. Mang thai
Nguyên nhân hàng đầu của tình trạng chậm kinh có thể xảy đến là mang thai. Nếu trễ kinh khoảng 1 tuần sau khi quan hệ tình dục không có biện pháp an toàn, rất có thể bạn đã có thai. Bạn nên thử que thử thai hoặc xét nghiệm máu để xác định chính xác.
2.2. Cho con bú
Phụ nữ đang cho con bú, nhất là bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thường ít có kinh, chu kỳ không đều hoặc vô kinh. Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn có thể rụng trứng và thụ thai nếu quan hệ. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn biện pháp tránh thai phù hợp nếu chưa muốn có thai.
2.3. Stress kéo dài
Căng thẳng có thể cản trở hoạt động điều hòa kinh nguyệt của não bộ từ đó gây chậm kinh. Khi stress giảm thì chu kỳ kinh sẽ dần ổn định lại. Nếu mất kinh liên tiếp trên 3 tháng do stress thì bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân và can thiệp sớm.
2.4. Sụt cân đột ngột
Chậm kinh có thể xảy ra do giảm cân nhanh chóng bằng cách ăn kiêng hoặc tập luyện quá sức. Cơ thể bị thiếu chất béo và dinh dưỡng sẽ dẫn tới nguy cơ rối loạn hormone, từ đó thậm chí gây vô kinh. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp chu kỳ trở lại bình thường.
2.5. Béo phì
Tương tự như sụt cân, béo phì cũng gây mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến chậm kinh. Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất quá nhiều hormone estrogen khi thừa cân. Khi đó, các bác sĩ thường khuyến khích thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp tập thể dục vừa sức để kiểm soát cân nặng, giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn.
2.6. Vận động thể chất quá mức
Tập luyện với cường độ cao tạo áp lực lớn lên cơ thể, gây mất cân bằng nội tiết tố nữ. Đây là lý do khiến nhiều nữ vận động viên thường xuyên bị chậm kinh.
2.7. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
PCOS khiến cơ thể nữ giới tiết hoocmon nam (androgen) nhiều hơn bình thường dẫn đến rối loạn nội tiết tố, hình thành các nang trên buồng trứng, cản trở quá trình rụng trứng định kỳ gây ra chậm kinh. Phát hiện và điều trị sớm PCOS sẽ giúp ngăn ngừa những tác động xấu đến sức khỏe sinh sản như suy giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường,…
2.8. Mắc bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến, viêm buồng trứng, suy buồng trứng… có thể gây chậm kinh. Bạn cần quan sát kỹ các triệu chứng bất thường của kinh nguyệt như lượng máu nhiều/ít, có vón cục… để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2.9. Mắc bệnh mạn tính
Các bệnh mạn tính như đái tháo đường, Celiac có thể ảnh hưởng chu kỳ kinh. Cụ thể, lượng đường huyết tăng cao bất thường cũng gây rối loạn nội tiết tố. Bệnh Celiac gây tổn thương ruột non, cản trở hấp thu chất dinh dưỡng, dẫn đến kinh không đều hoặc chậm kinh. Ngoài ra, hội chứng Cushing, hội chứng Asherman, tăng sản thượng thận bẩm sinh… cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt.
2.10. Dùng biện pháp tránh thai
Khi vừa bắt đầu hoặc ngừng dùng các biện pháp tránh thai nội tiết có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Ví dụ, thuốc ngừa thai có chứa estrogen và progestin ngăn buồng trứng rụng trứng. Sau khi ngưng thuốc tránh thai, một số người mất 3-6 tháng để chu kỳ kinh trở lại bình thường. Các biện pháp như cấy, tiêm thuốc ngừa thai cũng có thể gây chậm kinh.
2.11. Sử dụng chất kích thích
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia là cũng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Chất nicotine trong thuốc lá và khói thuốc tác động xấu đến cơ quan vùng chậu, giảm lượng oxy đến khu vực này và ảnh hưởng tới lớp nội mạc tử cung. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, chị em nên tránh xa các chất kích thích và tuân thủ lối sống lành mạnh.
2.12. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị như thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, thuốc tuyến giáp, thuốc hóa trị… có thể gây ra tác dụng phụ như chậm kinh. Nếu gặp các tình trạng bất thường, bạn nên thông báo với bác sĩ về các tác dụng không mong muốn để được xử lí cũng như điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
2.13. Mãn kinh sớm
Tuổi 45-55 là độ tuổi bắt đầu mãn kinh trung bình ở phụ nữ. Nếu xuất hiện triệu chứng mãn kinh trước 40 tuổi thì được xem là mãn kinh sớm, tức suy buồng trứng sớm. Lúc này chu kỳ kinh sẽ thưa dần và cuối cùng ngừng hẳn. Nguyên nhân có thể do phẫu thuật cắt buồng trứng, di truyền hoặc rối loạn tự miễn. Nếu dưới 40 tuổi mà bị chậm kinh, bạn nên đi khám để tìm hiểu lý do cụ thể.
2.14. Các vấn đề tuyến giáp
Tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nếu tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hiệu quả có thể dẫn tới mất cân bằng hormone, gây chậm kinh hoặc vô kinh. Các bệnh lý tuyến giáp thường được điều trị bằng thuốc và sau đó chu kỳ kinh sẽ trở lại ổn định nếu điều trị đúng.
3. Các dấu hiệu của chậm kinh
Ngoài việc không thấy kinh đến đúng kỳ, tùy theo nguyên nhân gây trễ kinh, bạn có thể gặp một số triệu chứng sau:
- Nhức đầu
- Đau vùng xương chậu
- Nổi mụn trứng cá
- Rụng tóc nhiều
- Mọc lông, đặc biệt ở mặt
4. Chậm kinh bao nhiêu ngày được coi là bình thường?
Nếu bạn có chu kỳ kinh đều đặn, việc trễ kinh dưới 5 ngày vẫn được xem là bình thường. Tuy nhiên, nếu chậm kinh trên 5 ngày, bạn nên đi khám ngay vì có thể đã mang thai hoặc mắc phải vấn đề sức khỏe nào đó. Thăm khám sớm sẽ giúp phát hiện nguyên nhân một cách chính xác và điều trị kịp thời.
5. Chậm kinh sau bao lâu nhiều khả năng là mang thai?
Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người có độ dài ngắn khác nhau, vì thế không dễ để xác định chính xác thời điểm có thai. Tuy nhiên, thông thường nếu chậm kinh từ 5-7 ngày trong chu kỳ có quan hệ tình dục thì rất có thể bạn đã mang thai.
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường chỉ có một lần rụng trứng. Trứng gặp tinh trùng sẽ hình thành phôi thai và bắt đầu làm tổ trong tử cung. Quá trình này kích thích cơ thể sản sinh hormone hCG (human Chorionic Gonadotropin). Mức hCG tăng cao là dấu hiệu của thai kỳ và có thể phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu hoặc máu.
Tuy nhiên, nếu xét nghiệm quá sớm trong những ngày đầu chậm kinh, lượng hCG có thể chưa đủ để phát hiện. Vì vậy, để có kết quả chính xác nhất, bạn nên xét nghiệm thai sau một tuần chậm kinh.
6. Chậm kinh có nguy hiểm không?
Kinh nguyệt được ví như tấm gương phản ánh sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Vì thế, khi phát hiện chu kỳ kinh bất thường hoặc chậm kinh mà chắc chắn không mang thai, bạn nên thăm khám sớm để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời. Điều này giúp tránh các biến chứng nghiêm trọng do bệnh lý gây ra với sức khỏe và khả năng sinh sản.
7. Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Tình trạng chậm kinh có thể xảy ra ở bất cứ phụ nữ nào đã có kinh nguyệt. Tuy nhiên, một số yếu tố như chế độ dinh dưỡng, di truyền, bệnh phụ khoa, bệnh mạn tính… sẽ làm tăng nguy cơ chậm kinh. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, hãy thăm khám sớm để được bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ gặp phải.
Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu thời gian chậm kinh kéo dài bất thường như:
- Chậm kinh 1 tháng
- Chậm kinh 2 tháng
- Chậm kinh 3 tháng
- Chậm kinh 4 tháng
8. Các phương pháp chẩn đoán chậm kinh
Để chẩn đoán chậm kinh cũng như nguyên nhân, bác sĩ sẽ hỏi về biểu hiện bệnh, tiền sử của chị em và gia đình. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa để kiểm tra bất thường ở cơ quan sinh sản.
Với trường hợp chưa từng có kinh, bác sĩ sẽ kiểm tra ngực và bộ phận sinh dục để xác định sự phát triển ở tuổi dậy thì.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để tìm hiểu tình trạng mang thai, đánh giá chức năng buồng trứng, tuyến giáp, nồng độ các loại hormone,… trong cơ thể.
Dựa trên kết quả lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các kiểm tra chuyên sâu hơn như siêu âm, chụp CT, MRI… để chẩn đoán chính xác.
9. Điều trị chậm kinh thế nào?
Cách điều trị chậm kinh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone để tái tạo chu kỳ kinh.
- Điều trị bằng thuốc các bệnh tuyến giáp.
- Phẫu thuật nếu chậm kinh do u hoặc nguyên nhân tắc nghẽn.
Lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay áp dụng các bài thuốc dân gian chưa kiểm chứng. Chị em nên đi khám, lắng nghe ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp điều trị chậm kinh một cách an toàn và hiệu quả.
10. Làm sao để có một chu kỳ kinh nguyệt đều?
Để có chu kỳ kinh nguyệt ổn định theo từng tháng, phụ nữ cần chú ý một số điều sau:
Thứ nhất, luôn giữ vệ sinh vùng kín, đặc biệt là trong suốt những ngày “đèn đỏ”, cũng như trước và sau khi “yêu”. Nên dùng các sản phẩm vệ sinh dành riêng cho phụ nữ với độ pH thích hợp. Đồng thời, tránh thụt rửa sâu bên trong “cô bé” vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa.
Thứ hai, xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất. Song song đó, duy trì thói quen tập thể dục vừa sức, kết hợp với nghỉ ngơi điều độ. Tránh sử dụng các chất kích thích độc hại như đồ uống có cồn, cà phê hay thuốc lá.
Thứ ba, tìm cách giải tỏa căng thẳng, tránh stress kéo dài bằng các liệu pháp thư giãn phù hợp. Cuối cùng, đừng quên tầm soát phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các vấn đề sức khỏe, bảo vệ khả năng sinh sản.
11. Lời khuyên của bác sĩ
Khi gặp phải tình trạng chậm kinh, chị em cần lưu ý những điều sau để bảo vệ sức khỏe của bản thân:
- Thăm khám sớm nếu thấy chu kỳ kinh nguyệt bất thường kéo dài, đặc biệt nếu chậm kinh trên 5 ngày.
- Cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của bản thân để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân chậm kinh.
- Tuân thủ phác đồ điều trị chậm kinh theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng.
- Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý để cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Tránh các yếu tố nguy cơ chậm kinh như stress, chất kích thích, thay đổi cân nặng đột ngột… để giảm khả năng tái phát tình trạng chậm kinh.
Chị em không nên chủ quan kể cả chỉ bị chậm kinh trong thời gian ngắn. Chị em nếu có các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt bất thường hãy đặt lịch khám tại đây để được khám, chẩn đoán và có hướng xử trí đúng đắn, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nếu chị em còn bất kỳ thắc mắc nào về việc thăm khám soi cổ tử cung, hãy truy cập vào group Facebook HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA HÀ NỘI để được các bác sĩ chuyên Sản Phụ khoa giải đáp và tư vấn chi tiết.
Liên hệ - đặt lịch