Điều trị HPV có cần cắt bỏ tử cung là câu hỏi mà BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nhận được rất nhiều. Dưới đây BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan bàn luận một chút về HPV, phương pháp chẩn đoán và điều trị. Cùng tìm hiểu với bác sĩ nhé.
1. Tìm hiểu về HPV và ung thư cổ tử cung
1.1. HPV là gì?
HPV (Human Papillomavirus), là virus gây ra u nhú ở người. Các chuyên gia cho biết có khoảng 100 tuýp HPV gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó có 40 tuýp HPV gây các bệnh về đường sinh dục như: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, bìu, dương vật, hậu môn, trực tràng,… . Trong đó, một số loại nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Bệnh do HPV gây ra đa phần lây truyền qua đường tình dục. Tiêm vacxin HPV là biện pháp giúp phòng tránh các tuýp HPV “nguy cơ cao” gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư cổ tử cung.
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cho biết, một số chủng HPV dưới đây:
- HPV 6 và HPV 11
Đây là chủng HPV nguy cơ thấp, phần lớn liên quan đến mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên, HPV type 11 cũng có thể gây ra những thay đổi ở cổ tử cung.
- HPV 16 và HPV 18
HPV 16 và HPV 18 là những chủng HPV nguy cơ cao nhưng chúng lại không biểu hiện bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
1.2. HPV có lây không?
Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1 BV Phụ Sản Trung Ương, HPV rất dễ lây lan. Tuy nhiên, virus không lây truyền qua các dịch tiết của cơ thể như tinh dịch, nước bọt mà là do tiếp xúc qua da. Điều này thường xảy ra nhất là khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, qua hậu môn và qua miệng. Mặt khác, tình trạng lây nhiễm HPV cũng xảy ra nếu tiếp xúc qua vết thương hở, hoặc gián tiếp qua đồ dùng cá nhân.
1.3. HPV và ung thư cổ tử cung có mối quan hệ gì?
Khi chị em bị nhiễm HPV nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể gặp phải những tình huống dưới đây:
- Tổn thương niêm mạc đường hô hấp trên:
Nhiễm trùng HPV có thể gây tổn thương niêm mạc của đường hô hấp trên như: miệng, hầu, họng, thanh quản.
- Gây ung thư cổ tử cung:
Đa phần nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung được cho là do nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, thời gian từ khi nhiễm virus đến khi phát triển thành ung thư cổ tử cung phải mất ít nhất từ 10 đến 20 năm.
Biểu hiện của ung thư cổ tử cung trong giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì hoặc tương tự với tình trạng viêm nhiễm phụ khoa nên rất dễ bỏ sót. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ nên được thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần và cần tầm soát ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm Pap).
Phụ nữ từ 21-29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm 1 lần , phụ nữ từ 30 -65 tuổi nên tiếp tục làm Pap 3 năm 1 lần hoặc 5 năm 1 lần nếu xét nghiệm DNA HPV cùng một thời điểm. Với phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng xét nghiệm nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Ngoài ung thư cổ tử cung, virus HPV còn gây ra một số loại ung thư khác như: ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư dương vật, ung thư hậu môn,… Do vậy, việc chẩn đoán và điều trị HPV sớm là yếu tố quan trọng giúp chị em tránh được những hậu quả không đáng có.
2. Phương pháp chẩn đoán nhiễm virus HPV
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cho biết, để chẩn đoán nhiễm virus và điều trị HPV sớm nhất, các chị em cần thực hiện các phương pháp xét nghiệm sau:
2.1. Xét nghiệm Pap Smear (xét nghiệm Pap, xét nghiệm tế bào cổ tử cung – âm đạo)
Bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt (dụng cụ dùng trong thăm khám phụ khoa) đặt vào âm đạo để bộc lộ cổ tử cung. Sau đó, bác sĩ dùng một que gỗ chuyên dụng để thu thập các tế bào ở cổ tử cung. Bệnh phẩm này sẽ được phết lên lam kính rồi được cố định bằng dung dịch.
Sau đó, nó được gửi đến phòng xét nghiệm để tìm các tế bào bất thường về cấu trúc, hình thái như dị sản, loạn sản,… Các tổn thương này được gọi là tổn thương tiền ung thư, nó có thể phát triển thành ung thư thực sự hoặc chỉ mang tính chất lành tính.
Quá trình này thường kéo dài khoảng 5-10 phút và thường không gây đau. Tuy nhiên, sau khi lấy bệnh phẩm, chị em có thể thấy khó chịu hoặc ra máu âm đạo và tình trạng này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu nó kéo dài cần liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
2.2. Xét nghiệm Thinprep
Thinprep cũng là xét nghiệm tế bào cổ tử cung nhưng nó có nhiều ưu điểm hơn xét nghiệm Pap Smear. Để lấy bệnh phẩm, bác sĩ sẽ dùng một loại chổi chuyên dụng để lấy các mẫu tế bào ở cổ tử cung. Do đó, với Thinprep lượng tế bào thu thập được sẽ nhiều hơn,
Sau đó, các tế bào này được rửa trong chất định hình và đựng trong lọ sau đó gửi đến phòng xét nghiệm. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành phân tích và đưa ra kết quả.
2.3. Xét nghiệm DNA của HPV
Xét nghiệm DNA HPV là phương pháp sử dụng hệ thống chiết tách DNA tự động công nghệ cao nhằm phân tích, xác định chính xác sự có mặt của virus HPV. Phương pháp này không khẳng định rằng chị em có mắc ung thư cổ tử cung không?
Nhưng dựa vào kết quả cho biết virus HPV đang gây bệnh thuộc loại nào, có thuộc nhóm nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung không? Từ đó có biện pháp để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Thông thường, xét nghiệm Pap, Thinprep và xét nghiệm HPV DNA là bộ ba giúp sàng lọc, phát hiện, đánh giá những tế bào bất thường, và tìm chủng có nguy cơ cao gây ung thư tử cung sớm. Từ đó. bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị HPV phù hợp.
3. Phương pháp điều trị HPV
3.1. Điều trị HPV có cần cắt bỏ tử cung không?
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cho biết, một khi chị em bị nhiễm virus HPV sẽ không có phương pháp điều trị triệt để. Nhiều chị em lo lắng rằng điều trị HPV phải cắt bỏ tử cung. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là một trong các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung.
Phẫu thuật này giúp cắt bỏ tử cung bao gồm cổ tử cung (trong trường hợp cắt tử cung hoàn toàn), từ đó nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung do nhiễm HPV dai dẳng được loại bỏ.
Tuy nhiên, như bác sĩ đã nói dù đã cắt bỏ tử cung (trường hợp cắt tử cung hoàn toàn bao gồm cả cổ tử cung) nhưng virus HPV vẫn tồn tại trong các tế bào khác của cơ thể như tế bào âm đạo. Vì vậy, việc cắt bỏ tử cung không đồng nghĩa với việc tiêu diệt được virus.
3.2. Điều trị HPV
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cho biết, phần lớn mục tiêu điều trị HPV là làm giảm triệu chứng bằng cách loại bỏ mụn cóc cũng như các tế bào bất thường trong cổ tử cung. Hiện nay, điều trị HPV có những phương pháp dưới đây:
- Phẫu thuật lạnh: Sử dụng Nitơ lỏng để tiêu diệt mụn cóc.
- Quy trình cắt bỏ phẫu thuật điện vòng (LEEP): Sử dụng vòng dây đặc biệt để cắt bỏ đi các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
- Đốt điện: Dùng dòng điện để tiêu diệt mụn cóc.
- Liệu pháp laser: Sử dụng ánh sáng hồng ngoại có cường độ cao để tiêu diệt mụn cóc và các tế bào bất thường.
- Thuốc bôi: Sử dụng thuốc bôi dạng kem được bác sĩ chỉ định, bôi trực tiếp lên mụn cóc.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị HPV. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng bệnh và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra hướng điều trị HPV phù hợp.
4. Lời khuyên của bác sĩ
Bài viết trên đã cung cấp cho chị em một số thông tin cơ bản về HPV và giải đáp câu hỏi: “Điều trị HPV có cần cắt bỏ tử cung không?
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan khuyên chị em bị nhiễm HPV cần đi khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phát hiện bệnh sớm bệnh ung thư cổ tử cung và điều trị HPV càng sớm càng tốt. Liên hệ đặt lịch khám với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan ngay tại đây nhé.