Mất kinh là tình trạng không có kinh nguyệt trong một thời gian dài. Làm thế nào để biết vì sao bị mất kinh và điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời.
1. Ca bệnh mất kinh
Thông tin ca bệnh:
Bệnh nhân nữ Nguyễn T.H sinh năm 1984 (40 tuổi), tiền sử PARA 0000, cách đây 3 năm kinh nguyệt đều, tuy nhiên sau đó số lượng kinh giảm dần và mất kinh hẳn.
Người bệnh vào viện ngày 4/1/2024 vì mong muốn có con, bị mất kinh vài tháng đi khám lại phòng khám gần nhà được cho dùng thuốc tránh thai hàng ngày thì ra kinh, ngưng thuốc lại tiếp tục mất kinh. Lần gần nhất có kinh cách đây 3 tháng.
Sau thăm khám và hỏi bệnh bác sĩ phát hiện được các hội chứng và triệu chứng sau:
- Âm hộ bình thường
- Âm đạo có một vách ngăn gờ ngắn chạy dọc thành bên trái âm đạo, đau rát khi khám
- Cổ tử cung và tử cung nhỏ
- Hai phần phụ bình thường
Bác sĩ đề xuất cho bên nhân làm thêm siêu âm tử cung phần phụ thấy niêm mạc tử cung mỏng 3,2mm; 2 buồng trứng teo nhỏ; xét nghiệm nội tiết AMH 0.009 mg/mL, FSH 28.72 UI/mL, LH 7.59 UI/mL, Estradiol < 10 pg/mL, prolactin 1ng/mL. Người bệnh cũng được làm thêm xét nghiệm công thức NST máu ngoại vi để đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng mất kinh này.
Sau khi có kết quả xét nghiệm kết hợp với quá trình hỏi bệnh và khám, bác sĩ chẩn đoán chị H đang có tình trạng: Suy buồng trứng sớm.
2. Kế hoạch điều trị
Với tình trạng của chị H., bác sĩ chỉ định bước đầu sử dụng liệu pháp hormon thay thế nhằm bổ sung estrogen và progesterone để niêm mạc tử cung được tái tạo trở lại, thúc đẩy buồng trứng hoạt động và điều trị mất kinh, làm cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định trở lại. Từ đó, với hy vọng kích thích nang noãn phát triển, khiến trứng chín và rụng tự nhiên.
Ngoài ra, việc bổ sung hormone còn có tác dụng khác là giúp làm giảm các triệu chứng của mãn kinh như: lão hóa da, rối loạn thể chất, rối loạn vận mạch, bốc hỏa, khô rát âm đạo,…
Kết thúc buổi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu chị H. tái khám theo lịch hẹn để theo dõi quá trình điều trị bao gồm các vấn đề như đã hết tình trạng mất kinh chưa, xem buồng trứng có đáp ứng tốt không. Trong trường hợp đáp ứng tốt, AMH có xu hướng cải thiện hơn thì bác sĩ sẽ xem xét điều trị kích thích phóng noãn cho người bệnh.
3. Những điều cần lưu ý
3.1. Bàn luận về ca bệnh:
Ở ca bệnh mất kinh này của chị H., tiên lượng bệnh là khó khăn vì người bệnh đến khá muộn, mất kinh 3 tháng, chỉ số AMH thể hiện dự trữ của buồng trứng gần như bằng 0 dẫn tới khả năng mang thai rất thấp, khó có thể có con được.
Đây cũng là một bài học kinh nghiệm sâu sắc dành cho các chị em. Khi phát hiện các bất thường về chu kỳ kinh, đặc biệt là mất kinh, chị em cần phải đi khám ngay lập tức và điều trị sớm. Nếu mất kinh càng lâu, bệnh sẽ càng nặng và gây ra điều trị khó khăn.
3.2. Nguyên nhân suy buồng trứng sớm
Vậy có những nguyên nhân nào gây suy buồng trứng sớm? Vì sao bị mất kinh? Hiện tại, người ta đã phát hiện ra nhiều nguyên gây ra tình trạng này, đặt biệt các nguyên nhân liên quan tới di truyền, nhiễm sắc thể hoặc bệnh tự miễn. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp gây suy buồng trứng, mất kinh chính là việc giảm nồng độ hormone estrogen trong máu.
Sau đây là một số nguyên nhân cụ thể gây ra mất kinh, suy buồng trứng sớm:
- Rối loạn nhiễm sắc thể: các rối loạn tự miễn, các rối loạn do hóa trị, xạ trị hoặc rối loạn di truyền trên nhiễm sắc thể như hội chứng Fragile X,…
- Hóa trị, xạ trị: liệu pháp điều trị ung thư có thể gây tổn thương nhiễm sắc thể và gen trong tế bào từ đó gây suy buồng trứng, mất kinh
- Miễn dịch tự miễn: hệ thống miễn dịch tự tạo ra các kháng thể chống lại buồng trứng, từ đó phá hủy các nang trứng làm người bệnh bị suy buồng trứng sớm
- Giảm cân quá độ: giảm cân quá độ gây stress kéo dài làm rối loạn thần kinh thực vật, ảnh hưởng lớn tới điều hòa các hormone trong cơ thể, dẫn tới giảm hormone estrogen, giảm chức năng buồng trứng, mất kinh
- Sức khỏe tinh thần suy yếu: phụ nữ thời nay dễ gặp phải môi trường sống hoặc làm việc căng thẳng trong một thời gian dài. Điều này cũng gây ảnh hưởng thần kinh thực vật, khả năng điều tiết nội tiết của cơ thể dẫn tới là làm giảm chức năng buồng trứng sớm
- Tiền sử phẫu thuật buồng trứng trước đây: các phẫu thuật có liên quan tới buồng trứng có thể làm giảm số lượng trứng trong buồng trứng, từ đó gây suy buồng trứng, mất kinh
- Nạo phá thai quá nhiều: nạo phá thai quá nhiều và không đúng cách cũng là một nguyên nhân làm rối loạn nội tiết tố và ảnh hưởng tới buồng trứng
- Nguyên nhân chưa được xác định: có tình trạng suy buồng trứng nguyên phát thường không rõ nguyên nhân (vô căn). Khi đi khám, bác sĩ đã cho làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân nhưng vẫn không rõ thì thường được xếp vào lý do này. Tuy nhiên, một số yếu tố độc chất cũng là yếu tố nguy cơ đẩy nhanh tốc độ quá trình suy buồng trứng, mất kinh như khói thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,…
3.3. Dấu hiệu nhận biết suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng là một nguyên nhân lớn gây ra tình trạng vô sinh – hiếm muộn ở phụ nữ. Suy buồng trứng sớm có biểu hiện tương tự như thời kỳ mãn kinh. Dưới đây là các dấu hiệu để chị em có thể nhận biết cảnh báo suy buồng trứng sớm để có thể kịp thời đi khám và can thiệp sớm như:
- Rối loạn kinh nguyệt từ lâu, số lượng kinh không đều, màu sắc kinh nguyệt thay đổi bất thường hoặc mất kinh
- Dễ bị mất ngủ giữa đêm và khó ngủ trở lại
- Cảm thấy mệt mỏi, dễ bị chóng mặt và buồn nôn
- Ham muốn và nhu cầu tình dục giảm, có xu hướng né tránh chuyện chăn gối
- Da dẻ giảm độ căng, có tình trạng nhăn nheo, ngực nhão, xệ, tóc mỏng, thưa và dễ rụng
- Trí nhớ giảm sút
- Bị khô âm đạo, dễ xảy ra đau rát khi quan hệ tình dục vì âm đạo không tiết đủ dịch để bôi trơn
Ngoài ra, suy buồng trứng trực tiếp ảnh hưởng làm giảm nồng độ estrogen trong máu. Điều này gây ra các vấn đề khác về cơ thể cũng như sức khỏe phụ nữ như suy giáp, loãng xương, rối loạn mỡ máu, tăng nguy cơ tim mạch và rối loạn lo âu, trầm cảm,…
3.4. Lời dặn từ bác sĩ
Suy buồng trứng sớm đều nguy hiểm vì ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của chị em. Tình trạng này làm tăng khả năng xuất hiện các bệnh lý liên quan tới tim mạch, xương khớp, lipid máu.
Đặc biệt, suy buồng trứng ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng mang thai tự nhiên và người bệnh phải tìm tới các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm hoặc xin noãn. Theo các nghiên cứu, chỉ số dự trữ buồng trứng ở phụ nữ sẽ giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt là sau 35 tuổi. Càng lớn tuổi buồng trứng càng suy yếu, chất lượng và số lượng trứng cũng giảm theo.
Hiện nay vẫn chưa có cách nào để dừng quá trình suy buồng trứng, mất kinh hay phục hồi lại chức năng buồng trứng nên phụ nữ cần được khám và phát hiện sớm để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Khi phát hiện được dấu hiệu bất thường như mất kinh,… bạn cần đi khám sớm. Nếu muốn kiểm tra, chị em có thể đặt lịch khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa tại đây.