Thuốc chậm kinh rất tác dụng với nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, loại thuốc này có thực sự an toàn? Cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1, BV Phụ Sản Trung Ương tìm hiểu những điều cần biết về loại thuốc này!
1. Tổng quan về thuốc chậm kinh
1.1. Thuốc chậm kinh là gì?
Thuốc chậm kinh, hay còn gọi là thuốc trì hoãn kinh nguyệt, là loại thuốc chứa hormone nhân tạo có tác dụng trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên của phụ nữ. Thành phần chính của thuốc thường là norethisterone, một chất tương tự progesterone – hormone do buồng trứng sản sinh.
1.2. Cơ chế tác động của thuốc chậm kinh
Thuốc chậm kinh làm tăng nồng độ progesterone trong cơ thể, khiến niêm mạc tử cung không bong tróc, từ đó trì hoãn việc xuất hiện kinh nguyệt. Thời gian trì hoãn kinh nguyệt thường dao động từ 2 đến 14 ngày, tùy thuộc vào loại thuốc và thời điểm bắt đầu sử dụng.
1.3. Lợi ích của thuốc chậm kinh nguyệt
Nhiều chị em phụ nữ cảm thấy rất khó chịu khi đến hành kinh. Kỳ rụng “dâu” có thể khiến cơ thể phụ nữ mệt mỏi, đau nhức và uể oải,… Vì vậy, việc sử dụng thuốc làm chậm kinh để đi du lịch, công tác,… sẽ giúp chị em tránh được những phiền toái do kỳ kinh mang lại.
Ngoài ra, loại thuốc này cũng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,…
1.4. Cách dùng
Thuốc thường được dùng theo liều 3 viên mỗi ngày, uống trong 3 – 7 ngày, bắt đầu từ 3 – 4 ngày trước ngày dự kiến có kinh nguyệt. Đặc biệt, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, để được tư vấn liều lượng và thời điểm sử dụng phù hợp nhất.
2. Các loại thuốc chậm kinh phổ biến
Trên thị trường hiện nay, có 4 loại thuốc chậm kinh phổ biến như:
2.1. Viên thuốc tổng hợp
Đây là loại thuốc tránh thai kết hợp giữa hai loại nội tiết tố estrogen và progesterone. 1 vỉ thuốc này gồm 28 viên, trong đó có 21 viên thuốc hoạt động (màu trắng) và 7 viên thuốc không hoạt động (màu nâu). Nếu muốn làm chậm kinh, bạn chỉ cần uống 21 viên thuốc hoạt động, sau đó uống tiếp tục 1 vỉ thuốc mới.
2.2. Medroxyprogesteron axetat
Medroxyprogesteron axetat là loại thuốc chứa thành phần là một dạng nhân tạo của hormone progesterone. Loại thuốc này, có tác dụng làm chậm kinh lên đến 17 ngày. Bạn nên uống trước kỳ kinh nguyệt khoảng vài ngày.
2.3. Norethisterone
Norethisterone là loại thuốc có chứa hormone progesterone, giúp ngăn chặn quá trình bong tróc lớp niêm mạc tử cung, từ đó làm chậm kinh.
Khi dùng thuốc này, bạn có thể uống trong vòng 3 – 4 ngày trước ngày hành kinh. Khi ngừng uống thuốc, kỳ kinh nguyệt sẽ diễn ra bình thường sau 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có một số tác dụng phụ như: Căng tức ngực, buồn nôn, căng thẳng mệt mỏi,…
2.4. Viên uống tránh thai chỉ có chứa progestogen (POPs)
Viên uống tránh thai chỉ có chứa progestogen (POPs) là một lựa chọn hiệu quả để làm chậm kinh nguyệt. Sau khoảng 1 năm dùng thuốc này, có đến khoảng 50% chị em phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều.
3. Ai không nên dùng thuốc chậm kinh?
Thuốc chậm kinh có nhiều ưu điểm và tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được loại thuốc này một cách an toàn và hiệu quả. Dưới đây là một số nhóm chị em phụ nữ không nên dùng thuốc chậm kinh:
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai: Loại thuốc này có thể gây hại cho thai nhi và ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
- Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và sự phát triển của trẻ nhỏ.
- Phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh lý: Tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, ung thư vú, u vú, u xơ tử cung, ung thư tử cung, u nang buồng trứng,…
- Phụ nữ đang sử dụng một số loại thuốc khác: Norethisterone có trong thuốc làm chậm kinh có thể tương tác với một số loại thuốc đặc biệt hoặc thuốc kê đơn. Vì vậy, khi uống thuốc chậm kinh, bạn cần lưu ý theo sự hướng dẫn của bác sĩ, để tránh những sự tương tác thuốc không mong muốn.
4. Uống thuốc chậm kinh có nguy hiểm không?
Nhiều chị em phụ nữ có chung thắc mắc “uống thuốc chậm kinh có nguy hiểm không?”. Việc sử dụng thuốc hoãn kinh nguyệt thường an toàn khi được sử dụng đúng cách và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác, thuốc chậm kinh cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ và tác dụng phụ, nếu như thường xuyên lạm dụng và không được sử dụng cẩn thận.
Nguy cơ:
- Gây rối loạn nội tiết tố: Thuốc chậm kinh có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, buồn nôn, đau bụng, nhức đầu,…
- Tăng nguy cơ huyết khối: Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sử dụng thuốc chậm kinh có nguy cơ bị huyết khối cao hơn so với phụ nữ không sử dụng.
- Gây hại cho thai nhi: Nếu bạn vô tình mang thai trong khi sử dụng thuốc chậm kinh, thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn cho thai nhi.
- Mất tác dụng thuốc: Hiệu quả của thuốc chậm kinh có thể giảm nếu bạn bỏ lỡ liều hoặc sử dụng thuốc không đúng cách.
Tác dụng phụ:
- Chảy máu bất thường: Một số phụ nữ có thể bị chảy máu bất thường hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt khi sử dụng thuốc chậm kinh.
- Thay đổi tâm trạng: Thuốc chậm kinh có thể gây ra các thay đổi tâm trạng như lo lắng, trầm cảm, cáu kỉnh,…
- Buồn nôn, đau bụng, nhức đầu: Đây là những tác dụng phụ phổ biến của thuốc chậm kinh.
- Mụn trứng cá: Uống thuốc hoãn kinh nguyệt có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá.
Cơ địa và tình trạng sức khoẻ của mỗi người khác nhau, nên tác dụng phụ của thuốc chậm kinh cũng sẽ khác nhau.
5. Các phương pháp làm chậm kinh khác
Ngoài cách làm chậm kinh bằng dùng thuốc, cũng có một số cách tự nhiên làm rối loạn kinh nguyệt, ít tác dụng phụ hơn mà chị em phụ nữ nên tham khảo. Dưới đây là một số cách làm chậm kinh tự nhiên như:
- Gelatin: Để làm chậm kinh bằng phương pháp này, bạn có thể dùng gelatin dạng bột và hoà tan 1 gói nhỏ với nước ấm, gelatin có tác dụng làm chậm kinh trong khoảng vài giờ.
- Nước chanh: Hàm lượng acid trong chanh có tác dụng làm chậm kinh nguyệt. Bạn có thể uống nước chanh không đường hoặc ăn 1 – 2 lát chanh mỗi ngày, trước ngày hành kinh.
- Uống giấm táo: Thành phần acid trong giấm táo có tác dụng giúp thải độc cơ thể và giảm cân. Bạn có thể uống 1 – 2 muỗng giấm táo với nước lọc và uống 2 – 3 lần/tuần trước ngày hành kinh, để làm chậm kinh. Lưu ý: tránh uống quá nhiều giấm táo vì có thể gây hại cho răng và dạ dày.
- Đậu xanh: Trong lớp vỏ của đậu xanh có chứa hợp chất flavonoid, loại hợp chất này có thể gây ức chế quá trình rụng trứng, làm chậm kinh. Tuy nhiên, cách làm chậm kinh bằng phương pháp này chưa được khoa học chứng minh. Nếu muốn thử nghiệm, bạn có thể ăn 9 hạt đậu xanh sống trước ngày hành kinh 2 -3 ngày để tham khảo kết quả.
Tóm lại, làm chậm kinh bằng phương pháp tự nhiên cũng là các cách trì hoãn kỳ kinh chị em nên tham khảo. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn và an toàn nhất, chị em phụ nữ nên lắng nghe ý kiến bác sĩ và quyết định lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với sức khỏe cũng như thể trạng của cơ thể mình.
6. Tác hại từ việc làm chậm kinh
Cách làm chậm kinh bằng thuốc chậm kinh nếu thường xuyên lạm dụng và sử dụng không cẩn thận, có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Uống thuốc hoãn kinh nguyệt cũng làm cho lớp niêm mạc của bạn mỏng đi, khiến cho phụ nữ thường bị rong kinh hoặc vô kinh.
Norethisterone được chuyển hoá trong cơ thể cũng có khả năng hình thành cục máu đông. Vì vậy, những chị em đã bị đông máu trước đó hoặc sẽ có nguy cơ đông máu nên ngưng sử dụng thuốc.
Bên cạnh đó, đối với một số người có tiền sử bị đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, ung thư vú, u xơ tử cung,… khi sử dụng thuốc chậm kinh cần chú ý kiểm tra thường xuyên, để phát hiện kịp thời các triệu chứng không mong muốn.
Thuốc còn có thể gây nên chảy máu tử cung, thiếu máu, ăn không tiêu, đau chân, viêm xoang, mất ngủ, buồn nôn, đau đầu,…
7. Lời khuyên từ bác sĩ
Dưới đây sẽ là một số lưu ý đặc biệt cho chị em phụ nữ khi dùng thuốc hoãn kinh nguyệt:
- Tùy vào tình trạng và thể trạng sức khỏe sẽ có đơn thuốc phù hợp nhất với mỗi người. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chậm kinh.
- Kinh nguyệt có thể có ngay sau khi ngừng dùng thuốc chậm kinh hoặc cần 10 – 15 ngày. Tuy nhiên, sau 15 ngày ngừng dùng thuốc mà vẫn chưa có kinh nguyệt, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để xác định nguyên nhân gây chậm kinh.
- Không nên lạm dụng thuốc chậm kinh, gây ức chế các hormone tự nhiên trong cơ thể. Chỉ nên sử dụng loại thuốc này trong những trường hợp bất đắc dĩ.
- Loại thuốc này can thiệp vào quá trình sản xuất hormone, làm trì hoãn sự bong tróc niêm mạc tử cung, từ đó trì hoãn việc xuất hiện kinh nguyệt. Vì vậy, mặc dù là loại thuốc chậm kinh nhưng thuốc này không phải là một cách để tránh thai.
- Chị em phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai tổng hợp không nên sử dụng loại thuốc norethisterone để làm chậm kinh. Nếu muốn làm chậm kinh nguyệt, có thể bắt đầu dùng vỉ tiếp theo và bỏ qua thời gian nghỉ không dùng thuốc.
Tóm lại, nếu muốn uống thuốc chậm kinh, chị em phụ nữ nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình. Đặc biệt, nên tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ về liều dùng cũng như cách dùng nhằm tránh các tác dụng không mong muốn.