Ra máu vùng kín nhưng không đau: bác sĩ nói gì?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Các chị em có thể bị chảy máu vùng kín ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống. Vậy nếu xuất hiện ra máu vùng kín nhưng không đau thì cần làm gì? Cùng tham khảo  lời khuyên của BS CKII Đỗ Thị Ngọc Lan về vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Ra máu vùng kín nhưng không đau là tình trạng gì?

Khi xuất hiện tình trạng chảy máu ra bên ngoài cơ thể từ những bộ phận dưới đây, được xem là bị chảy máu ở bộ phận sinh dục nữ:

  • Âm hộ: cơ quan sinh dục bên ngoài.
  • Âm đạo: cơ quan có dạng ống nối giữa bộ phận sinh dục trong và ngoài của cơ thể.
  • Tử cung: cơ quan sinh dục bên trong, có chức năng điều tiết lượng máu chảy mỗi kỳ “đèn đỏ” hoặc cung cấp chất dinh dưỡng cho bé trong suốt thai kỳ.
  • Buồng trứng: cơ quan đảm nhận chức năng sản xuất ra 1 trứng để thụ thai mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Ống dẫn trứng: cơ quan nối giữa tử cung và buồng trứng.
  • Niệu đạo: bộ phận nhận nước tiểu từ bàng quang (cơ quan chứa nước tiểu) để thải ra bên ngoài cơ thể.

Vậy ra máu vùng kín nhưng không đau có phải là vấn đề cần quan tâm hay không? Trong trường hợp xuất hiện tình trạng chảy máu vùng kín nhưng không phải kinh nguyệt có thể cảnh báo một số bệnh lý của cơ thể.

Chảy máu vùng kín không đau có thể cảnh báo một số bất thường cơ quan sinh dục
Ra máu vùng kín không đau có thể cảnh báo một số bất thường cơ quan sinh dục

Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được chia thành 3 nhóm là nhóm không phải bệnh lý, nhóm xảy ra trong và sau khi mang thai, nhóm bệnh lý không liên quan đến thai sản.

  1. Nhóm nguyên nhân không phải bệnh lý

  • Những ngày “đèn đỏ” của mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thuốc tránh thai hoặc tình trạng đặt vòng tránh thai trong tử cung có thể gây ra tác dụng phụ ra máu vùng kín.
  • Thụt rửa sâu trong âm đạo hoặc quan hệ tình dục mạnh bạo có thể khiến cho âm đạo chảy máu.
  • Rối loạn nội tiết tố dẫn tới sự cân bằng của estrogen và progesterone trở nên bất thường có thể dẫn tới máu xuất hiện ở vùng kín.
  • Người bệnh đang điều trị bằng các thuốc chống đông máu như warfarin, tamoxifen,… khiến những tổn thương nhỏ ở cơ quan sinh dục lâu lành hơn gây ra chảy máu.
  • Với phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh tình trạng suy giảm chức năng của buồng trứng hoặc teo nội mạc tử cung (teo vùng niêm mạc có thể bong ra mỗi chu kỳ kinh nguyệt) có thể làm cho người bệnh bị ra máu vùng kín.
Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những nguyên nhân sinh lý gây ra máu vùng kín
Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những nguyên nhân sinh lý gây ra máu vùng kín
  1. Nhóm nguyên nhân về các vấn đề xảy ra trong và sau khi mang thai

  • Thai ngoài tử cung: bình thường thai sẽ đến và làm tổ tại buồng tử cung nhưng vì một nguyên nhân nào đó thai lại làm tổ tại các vùng như ống dẫn trứng hoặc vết mổ lấy thai trước đó có thể gây nên tình trạng chảy máu đen tại vị trí thai làm tổ.
  • Sảy thai: khi thai không còn phát triển trong buồng tử cung có thể làm xuất hiện máu ở vùng kín. Khi sảy thai, phụ nữ sẽ không còn những triệu chứng ốm nghén trước đó.
  • Sau khi sinh: Các mẹ bầu sẽ xuất hiện sản dịch có màu đỏ. Đây là dịch bao gồm máu và các tế bào còn sót lại sau quá trình chuyển dạ. Theo thời gian, sản dịch sẽ giảm dần lượng tiết và hết hoàn toàn trong vòng từ 3 – 4 tuần.
Thai ngoài tử cung là một trong những nguyên nhân gây ra bị chảy máu vùng kín ở phụ nữ có thai
Thai ngoài tử cung là một trong những nguyên nhân gây ra bị ra máu vùng kín ở phụ nữ có thai
  1. Nhóm nguyên nhân do bệnh lý

  • Viêm âm đạo: vi sinh vật gây hại tấn công âm đạo gây nên tình trạng viêm nhiễm có thể làm xuất hiện một số triệu chứng như dịch tiết bất thường, máu tại vùng kín, đau khi quan hệ tình dục.
  • Các bệnh lý liên quan đến cổ tử cung: viêm cổ tử cung, polyp cổ tử cung (khối u lành tính cổ tử cung), ung thư cổ tử cung (khối u ác tính phát triển bất thường ở cổ tử cung) khiến cho niêm mạc cổ tử cung dễ tổn thương và chảy máu.
  • Bệnh lý tại tử cung: những khối u ở tử cung như u xơ (khối u lành tính phát triển dựa trên các tế bào cơ của tử cung), polyp tử cung, ung thư niêm mạc tử cung hoặc tình trạng lạc nội mạc tử cung (vì một nguyên nhân nào đó niêm mạc tử cung lại phát triển bất thường ở các cơ quan khác như buồng trứng, ống dẫn trứng,…)
  • Bệnh lý lây truyền qua đường tình dục: sùi mào gà, lậu có thể làm tổn thương cơ quan sinh dục gây nên tình trạng chảy máu.
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc tuyến yên: ảnh hưởng tới quá trình tiết các hormone sinh dục khiến cho nội tiết tố không được cân bằng, ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt gây ra tình trạng ra máu vùng kín nhưng không phải kinh nguyệt.
Viêm âm đạo là một trong những bệnh lý gây ra máu ở bộ phận sinh dục nữ
Viêm âm đạo là một trong những bệnh lý gây chảy máu ở bộ phận sinh dục nữ

2. Làm gì khi ra máu vùng kín

Như đã đề cập ở trên, bị chảy máu ở bộ phận sinh dục nữ do nhiều nguyên nhân gây ra. Một trong số đó có một số nguyên nhân không phải bệnh lý. Vì vậy, khi lượng máu chảy vùng kín ít và không gây đau, người bệnh nên thay đổi một số thói quen và theo dõi xem các triệu chứng có giảm hay không:

  • Xây dựng giấc ngủ thoải mái, tránh thức khuya.
  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng, đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục phù hợp với sức bền của cơ thể.
  • Theo dõi sát tình trạng ra máu. Nếu lượng máu chảy ra nhiều hơn, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Khi bị chảy máu âm đạo kết hợp với tình trạng đau bụng âm ỉ, chị em có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm đau:

  • Nằm nghiêng, co đầu gối gần ngực.
  • Lấy khăn ấm hoặc túi nước ấm chườm lên bụng.
  • Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol. Lưu ý, khi sử dụng thuốc này, người bệnh phải thực hiện đúng như hướng dẫn sử dụng.

Trong trường hợp máu chảy nhiều, các chị em không nên tự ý điều trị mà phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

3. Khi nào cần đi khám với bác sĩ

Nếu bị chảy máu vùng kín kèm theo những dấu hiệu nguy hiểm sau, người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời:

  • Mệt mỏi, chóng mặt, da lạnh, đổ nhiều mồ hôi, mạch yếu, khó thở.
  • Xuất hiện máu chảy khi đang mang thai.
  • Máu chảy nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt gây ra mệt mỏi, chóng mặt hoặc lượng máu ra ướt đẫm băng vệ sinh trong vòng 1 – 2 giờ.

Với những trường hợp người bệnh xuất hiện máu tại vùng kín nhưng không ảnh hưởng đến toàn thân thì cũng nên lên kế hoạch đi khám ở các cơ sở chuyên Sản phụ khoa. Một số trường hợp nên sắp xếp đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi xuất hiện ra máu vùng kín bất thường kèm theo những dấu hiệu như:

  • Thường xuyên xuất hiện tình trạng bầm tím bất thường trên da.
  • Thường xuyên xuất hiện chảy máu chân răng hoặc tình trạng máu khó cầm hơn bình thường.
  • Máu chảy nhiều hơn 1 tuần.
  • Trẻ sơ sinh chảy máu hơn 2 tuần.
ra máu vùng kín 1
Mẹ bầu xuất hiện máu ở vùng kín nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị

4. Đang ra máu vùng kín mà đi khám với bác sĩ thì sao?

Khi người bệnh đến khám ở các cơ sở chuyên khoa về vấn đề bị ra máu vùng kín, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá thể trạng để chắc chắn rằng bệnh nhân không có những dấu hiệu liên quan đến rối loạn huyết động như da xanh tái, đổ nhiều mồ hôi, mạch đập nhanh nhưng yếu. Trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn huyết động, bác sĩ sẽ tiến hành ổn định huyết động rồi mới thăm khám những vấn đề cụ thể.

Để đánh giá tình trạng ra máu vùng kín, bác sĩ sẽ đặt ra những câu hỏi để nhận định tình trạng bệnh như:

  • Chảy máu bất thường xảy ra từ thời điểm nào, số lượng ra sao.
  • Tình trạng chảy máu có những đặc điểm giống với những kỳ kinh nguyệt trước đó hay không?
  • Thời điểm gần đây có quan hệ tình dục và xuất hiện chậm kinh hay không.
  • Sau khi quan hệ tình dục có xuất hiện chảy máu hay không?
  • Các bệnh đang điều trị và thuốc đang sử dụng.
  • Có xuất hiện các dấu hiệu khác như đau khi đi tiểu, dịch âm đạo tiết nhiều hơn bình thường hay không?
  • Có xuất hiện những vết bầm hay chảy máu chân răng, chảy máu mũi hay không.
  • Với người đã mãn kinh, bác sĩ có thể khai thác người bệnh một số vấn đề như ngày cuối cùng có kinh, đã xuất hiện tình trạng ra máu vùng kín này trước đây chưa?

Sau khi đã khai thác các triệu chứng người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể như:

  • Khám toàn thân: đánh giá tình trạng xuất hiện niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng), những chấm, nốt, ban tím, đỏ trên da hoặc những dấu hiệu của thiếu máu mạn tính như thường xuyên mệt mỏi, da xanh, móng mỏng, dễ gãy. Ngoài ra, bác sĩ còn đo nhiệt độ để đánh giá tình trạng nhiễm trùng của cơ thể.
  • Khám bụng: nhằm phát hiện các khối u ổ bụng.
  • Khám phụ khoa: đánh giá xem máu chảy ở bộ phận nào âm hộ, âm đạo, cổ tử cung hay các bộ phận sinh dục khác nằm sâu hơn không thể quan sát được.
  • Khám vùng chậu: bác sĩ thăm khám các bộ phận khác như lỗ hậu môn, trực tràng hay niệu đạo xem có xuất hiện chảy máu hay không.

Khi đã xác định sơ bộ nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm tìm nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng ra máu vùng kín bất thường:

  • Thử thai: với bất kỳ phụ nữ nào đang trong độ tuổi sinh sản, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thử thai để định hướng những việc cần làm tiếp theo, trừ khi đã có thông tin người bệnh có thai trước đó.
  • Siêu âm vùng chậu: đây là phương pháp đưa đầu dò vào âm đạo. Nhờ vào lợi ích của sóng siêu âm, bác sĩ sẽ thu được hình ảnh bên trong âm đạo, cổ tử cung, tử cung và buồng trứng. Dựa vào những hình ảnh này, bác sĩ có thể định hướng được nguyên nhân gây bệnh chính xác hơn.
  • Công thức máu toàn phần: xét nghiệm này cho thông tin về các tế bào máu bao gồm hồng cầu (giúp đưa oxy đến tế bào), bạch cầu (tế bào liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể), tiểu cầu (tế bào tham gia vào quá trình đông máu của cơ thể). Nhờ vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ thiếu máu và tình trạng viêm của cơ thể người bệnh.
  • PCR dịch âm đạo: bác sĩ sẽ lấy dịch âm đạo sau đó cho vào máy để khuếch đại số lượng DNA của vi sinh vật gây hại. Sau khi thu được mẫu bệnh phẩm khuếch đại, máy sẽ tự động phát hiện một số vi sinh vật gây bệnh tại âm đạo như lậu, Chlamydia.
  • Tổng phân tích nước tiểu: xét nghiệm đánh giá các chỉ số của nước tiểu xem có những dấu hiệu gợi ý đến tình trạng viêm nhiễm hay không. Xét nghiệm này được sử dụng khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng khó đi tiểu, tiểu ra máu.
  • Xét nghiệm đông máu: là xét nghiệm đánh giá quá trình đông máu của cơ thể người bệnh có bình thường không. Đây là xét nghiệm được chỉ định khi người bệnh có những dấu hiệu gợi ý rối loạn đông máu.
Thử thai là xét nghiệm cần thiết với tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có ra máu vùng kín bất thường
Thử thai là xét nghiệm cần thiết với tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có ra máu vùng kín bất thường

Khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệt để nguyên nhân kết hợp cầm máu nếu lượng máu mất đi có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn một số lời khuyên của bác sĩ khi bị chảy máu vùng kín. Trong một số trường hợp đây chỉ là tình trạng sinh lý bình thường nhưng bạn cũng không nên vì vậy mà chủ quan với dấu hiệu này. Nếu xuất hiện bất thường bạn có thể chat với Zalo phòng khám để được tư vấn chi tiết nhé.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Bác sĩ giải đáp: Ra máu âm đạo bất thường nguy hiểm như thế nào?

Chảy máu âm đạo bất thường báo động cho sức khỏe phụ nữ. Bài viết giải đáp nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của chảy máu âm đạo. Đọc ngay!

Thông tin kiến thức
Bị viêm âm đạo có ra máu không?

Nhiều chị em lo lắng về tình trạng bị viêm âm đạo có ra máu. Tình trạng này có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu trong bài này nhé.

Thông tin kiến thức
Đốt điện viêm lộ tuyến cổ tử cung khi đang viêm nhiễm

Đốt điện viêm lộ tuyến cổ tử cung là thủ thuật ngoại khoa thường được sử dụng trong điều trị viêm lộ tuyến. Hãy cùng đi tìm hiểu trong bài viết sau nhé.

Thông tin kiến thức
Chảy máu ít ở vùng kín là dấu hiệu của bệnh gì?

Chảy máu ít ở vùng kín là dấu hiệu của bệnh gì? Là câu hỏi nhiều chị em lo lắng khi đã qua chu kì kinh. Vậy hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan giải đáp dưới bài viết dưới...

All in one
Liên hệ